Để phụ nữ và trẻ em không còn là nạn nhân của bất công
Phụ nữ và trẻ em thuộc nhóm yếu thế, có thể gặp nhiều thiệt thòi, chịu bất công và trở thành nạn nhân của nhiều tác động tiêu cực như bạo lực, bất bình đẳng, đói nghèo, dịch bệnh…
Phụ nữ và trẻ em vẫn chịu nhiều định kiến, rủi ro
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), phụ nữ và trẻ em gái chiếm tới 49,7% dân số toàn cầu. Tuy nhiên, đó đây trên khắp thế giới, tình trạng bất công, bất bình đẳng còn khá phổ biến, khiến nhiều phụ nữ và trẻ em gái không được đi học, làm việc và giữ các vị trí lãnh đạo. Nhiều phụ nữ và trẻ em vẫn sống trong nhiều định kiến xã hội, trong sự đói nghèo và rủi ro rình rập.
Tại Việt Nam, chúng ta đã có những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện đời sống phụ nữ, xóa bỏ nhiều rào cản, bảo vệ trẻ em, nhưng trong nhiều lĩnh vực, bước chân của sự tiến bộ vẫn còn chậm, phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của nhiều tiêu cực trong xã hội.
Thực trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em vẫn tiếp diễn và gây ra nhiều hệ lụy đau đớn. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh 8.112 nạn nhân. Nếu tính từ năm 2004 đến nay, có 13.857 nạn nhân bị mua bán, trong đó có trên 90% là phụ nữ, trẻ em.
Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hoặc kinh tế.
Còn theo báo cáo từ Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, trong 4 tháng đầu năm 2023, thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết cho thấy, xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so với năm 2022. Theo đánh giá của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, sau 19 năm hoạt động, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 5.398.105 cuộc gọi đến. Trong đó, đã tư vấn 469.408 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 9.601 ca trẻ em bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em. Trong số 9.601 ca hỗ trợ, can thiệp có 4.194 ca bạo lực trẻ em, chiếm 43,68%; 2.472 ca về xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 25,75%; tiếp đến là 748 ca về trẻ em bị bóc lột, chiếm 7,79%; 267 ca trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc, xao nhãng.
Về việc làm, cũng theo thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH, khoảng cách thu nhập theo giới của Việt Nam có xu hướng giãn rộng khi mà tiền lương bình quân tháng của lao động nam cao hơn nữ trung bình là khoảng 2,0 triệu đồng.
Một số đơn vị, lĩnh vực còn hạn chế, phân biệt đối xử khi tuyển dụng đối với phụ nữ. Nhiều trẻ em nước ta vẫn bị bóc lột, vắt kiệt sức lao động vì nhiều lý do: Hoàn cảnh khó khăn phải mưu sinh, bị bóc lột bởi các nhóm, tổ chức lợi dụng sức lao động trẻ em để làm việc bất chính, hoặc thậm chí chính bản thân gia đình, người thân là đối tượng lợi dụng, bóc lột các em để kiếm tiền.
Nỗ lực để đổi thay
Ý thức được những vấn đề còn tồn tại, trong những năm qua, các đơn vị, tổ chức trong nước cũng như quốc tế đã có những hành động mạnh mẽ vì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Vừa qua, cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã phối hợp xây dựng "Hướng dẫn quy trình và cách thức hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực và mua bán người" dành cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp, nêu cao tầm quan trọng của sự phối kết hợp với các đơn vị khác như ngành Tư pháp, Công an, Y tế… để cùng giải quyết hiệu quả các trường hợp bị bạo lực và bị mua bán.
Đồng thời, mới đây, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có một số điểm mới, trong đó bổ sung nhiều quy định về quy tắc giao thông liên quan đến ưu tiên, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ mang thai…
Tại Hội nghị tổng kết Cụm thi đua Hội LHPN 5 thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 vừa mới diễn ra, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đã đề cập đến những vấn đề “nóng” trong xã hội hiện nay như cháy nổ chung cư, tình trạng trẻ em đuối nước, bạo hành phụ nữ, bạo lực học đường…, trong đó, các nạn nhân hầu hết là phụ nữ, trẻ em. Vì thế, bà Hà Thị Nga đề nghị Hội LHPN 5 thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường nắm bắt tình hình trên địa bàn, các đơn thư khiếu kiện liên quan đến phụ nữ và trẻ em, từ đó tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền, trang bị kỹ năng cho hội viên, phụ nữ.
Để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em đạt được tiến bộ và công bằng trong xã hội, còn cần đến nhiều giải pháp đồng bộ khác như đầu tư vào giáo dục cho phụ nữ và trẻ em để nâng cao kiến thức và kỹ năng; tạo cơ hội nghề nghiệp cho phụ nữ và hỗ trợ khởi nghiệp, khuyến khích môi trường làm việc công bằng và cơ hội nghề nghiệp bình đẳng; xóa bỏ các rào cản để phụ nữ và trẻ em cùng được hưởng những quyền lợi mọi mặt trong xã hội…