Để phụ phẩm rơm tăng lợi, giảm hại

Mỗi năm, 'vựa lúa ĐBSCL' tạo ra 27-28 triệu tấn rơm. Phần lớn nguồn rơm không được tái sử dụng, vừa gây lãng phí, vừa để lại hệ quả tiêu cực.

Một cuộc điều tra về quản lý rơm từ 10.000 nông hộ ở ĐBSCL của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) mới đây cho thấy, có 40%-53% rơm bị nông dân đốt bỏ (tùy vụ). Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành lúa gạo, chỉ 30% rơm rạ (tương đương hơn 7 triệu tấn) được thu gom tái sử dụng. Thực tế này đã gây lãng phí nguồn phụ phẩm từ lúa gạo, bởi rơm có thể được tái chế làm nguyên liệu sản xuất (thức ăn chăn nuôi gia súc, phân hữu cơ, nguyên liệu sản xuất nấm…).

Đáng ngại hơn, khi phần lớn rơm không được tái chế, nông dân đem đốt trên đồng ruộng, làm mất dưỡng chất trong đất, tăng phát thải khí nhà kính, khói từ nguồn rơm bị đốt tràn ra đường, làm mất tầm nhìn của lái xe).

Hai năm qua, thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, nhiều địa phương đã khuyến cáo, thậm chí đưa ra biện pháp phạt hành chính nông dân đốt rơm trên đồng ruộng. Đi cùng đó là triển khai các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng rơm rạ tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng: Sản xuất phân bón hữu cơ cho cây trồng, làm thức ăn chăn nuôi gia súc, làm nguyên liệu trồng nấm… Nhờ đó, lượng rơm được tái chế, sử dụng hiệu quả tăng lên trong thời gian gần đây, song theo đánh giá của Bộ NN-MT là không đáng kể.

Nông nghiệp tuần hoàn là một trong các tiêu chí quan trọng để tăng thu nhập, phát triển bền vững và giảm phát thải. Thu gom rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp để tái chế làm nguyên liệu sản xuất là một giải pháp quan trọng. Để giải pháp này mang lại hiệu quả cao, cần xây dựng chuỗi giá trị mặt hàng rơm, tức phải đảm bảo đầu vào và đầu ra sản phẩm.

Cụ thể là phải có nguồn cung nguyên liệu rơm; có cơ sở, tổ chức chế biến rơm; và hơn hết là phải có đầu ra ổn định. Muốn được vậy, phải tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan. Thêm vào đó, chính quyền địa phương cần quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ: vốn ưu đãi, ứng dụng công nghệ…, để nông dân, hợp tác xã tiếp cận, ứng dụng, sử dụng trong chế biến rơm. Làm được vậy, chắc chắn rơm rạ sẽ được sử dụng hiệu quả trong thời gian tới.

CAO PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-phu-pham-rom-tang-loi-giam-hai-post791650.html