Để Quảng Ninh thêm cuốn hút giới đầu tư

Quảng Ninh đang trở thành một tâm điểm đầu tư đáng tin cậy nhờ tư duy quản trị hiện đại và tinh thần cải cách không ngừng. Tuy nhiên, để sức hút này chuyển thành 'đẳng cấp' thực sự mang tính bền vững, Quảng Ninh vẫn còn nhiều việc phải làm.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh báo cáo Thủ tướng về quy hoạch khu nhà ở cho công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh báo cáo Thủ tướng về quy hoạch khu nhà ở cho công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, năm 2022 Quảng Ninh đã vươn lên đứng thứ 3 trong top 10 địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước với tổng vốn trên 2,1 tỷ USD.

Năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục lập kỷ lục mới về thu hút vốn FDI khi đạt hơn 3,1 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kế hoạch năm, hiện dẫn đầu cả nước.

Theo định hướng hiện tại, Quảng Ninh ưu tiên thu hút đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, có tiềm năng khác biệt, tạo giá trị gia tăng lớn, nhất là du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh…

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng và nhà đầu tư trong khâu xúc tiến và thực hiện nghiên cứu đầu tư, ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long (chủ đầu tư khu công nghiệp Sông Khoai) cho rằng, Quảng Ninh cần ban hành danh mục ngành nghề, dự án ưu tiên, hạn chế thu hút đầu tư cụ thể hơn.

Cùng với đó, tỉnh cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án để nhà đầu tư hạ tầng có định hướng rõ từ đầu khi tiếp cận đối tác, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư.

Đồng thời, tỉnh cũng cần có những chính sách ưu đãi cụ thể, đi cùng với những điều kiện để được hưởng ưu đãi. Những điều này sẽ giúp công tác xúc tiến đầu tư của Quảng Ninh cũng như các doanh nghiệp hạ tầng có được hiệu quả cao nhất.

Vấn đề thứ hai mà nhiều nhà đầu tư quan tâm đến chính là việc đảm bảo nguồn nhân lực nhất là lao động chất lượng cao tại Quảng Ninh.

Cũng giống như một số nhà đầu tư hạ tầng KCN tại Quảng Ninh, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C cho biết rất quan tâm đến vấn đề lao động chất lượng cao.

"Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung không nên coi nguồn lao động giá rẻ là lợi thế thu hút đầu tư”, ông nói.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C

Mỗi tỉnh, thành phố cần có những ưu tiên cho đào tạo, tập trung vào những ngành nghề như điện tử, sản xuất máy móc thiết bị… Điều này đòi hỏi phải có thời gian để chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng, nếu làm được, sẽ cải thiện đáng kể chất lượng nguồn lao động, giúp tăng lợi thế cho Quảng Ninh thu hút được các nhà đầu tư lớn, Tổng giám đốc DEEP C nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm với ông Bruno, ông Chí Vũ, Trưởng bộ phận dịch vụ khu công nghiệp của Colliers Việt Nam cho rằng, Quảng Ninh có những lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút FDI như vị trí địa lý chiến lược, có đường biên giới cả trên biển và đất liền với thị trường Trung Quốc. Tỉnh cũng có hạ tầng hiện đại và đồng bộ, dư địa phát triển bất động sản công nghiệp lớn với ba khu kinh tế cùng nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, Quảng Ninh vẫn còn một số điểm cần cải thiện để tạo đà cho bất động sản công nghiệp “cất cánh”, thu hút thêm nhiều dự án đầu tư chất lượng, giá trị cao.

Trước hết là vấn đề nguồn lực nhân lực nhất là lao động chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh cần đặc biệt cân nhắc các chính sách, điều kiện đầu tư có tính tới các vấn đề về xử lý chất thải, khí thải, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và danh lam thắng cảnh, đảm bảo phát triển bền vững.

Riêng về nhân lực, cần có sự chung tay của ba “nhà” (nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp) để gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng lao động. Nhà trường cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và ngoại ngữ. Doanh nghiệp cần chung tay bằng các chính sách đãi ngộ, đào tạo và phát triển kỹ năng nhằm thu hút lao động cho các KCN, KKT. Nhà nước chú trọng an sinh như xây dựng nhà ở, bệnh viện, nhà trẻ để thu hút và giữ chân công nhân sinh sống, làm việc lâu dài.

Đề xuất chính sách để tạo thuận lợi thu hút nhân tài, ông Mizuta Kazunori, Giám đốc Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng cho biết, nhà máy của công ty tại Quảng Ninh đang có 4.000 người trong tổng số 15.000 nhân viên của toàn hệ thống.

Ông Mizuta Kazunori, Giám đốc Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng

Ông Mizuta Kazunori, Giám đốc Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng

The ông Kazinori, trong những năm gần đây, khi nhiều công ty Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác đầu tư vào khu vực miền Bắc Việt Nam, việc đảm bảo nguồn nhân lực trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, khi cạnh tranh nguồn nhân lực trở nên căng thẳng, chi phí lao động cũng tăng lên, tạo áp lực lớn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp cần chính sách thuế thuận lợi hơn nữa cho người lao động, cải thiện việc cung cấp nhà ở để thu hút nhân tài ”, ông Mizuta Kazunori đề xuất.

Năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút vốn FDI đạt ít nhất 3 tỷ USD; giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR-Index, SIPAS và PAPI.

Đây là một mục tiêu tương đối cao, tuy nhiên nếu những ý kiến của các nhà đầu tư có phương án giải quyết phù hợp, Quảng Ninh sẽ tiếp tục duy trì sức hút của mình với các nhà đầu tư ngoại.

Hạ An

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/de-quang-ninh-them-cuon-hut-gioi-dau-tu-1702628545628.htm