'Chìa khóa' giúp ngành logistics bứt phá

Chuyển đổi số đang được xem là một trong các phương thức hiệu quả kéo giảm chi phí và để ngành logistics phát triển bứt phá.

Nhiều thách thức

Ngành giao vận (logistics) Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển khi có trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn thế giới đang hoạt động.

Ngành này có tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân 14% - 15%, quy mô thị trường 40 - 42 tỷ USD theo Bảng xếp hạng về chỉ số thị trường mới nổi của Agility (Nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu thế giới).

Chuyển đổi số đang là một trong những phương thức giúp ngành logistics giảm chi phí. Ảnh Lê Toàn

Chuyển đổi số đang là một trong những phương thức giúp ngành logistics giảm chi phí. Ảnh Lê Toàn

Tuy nhiên ngành logistics cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đơn cử, thời gian gần đây, sự đổ bộ của sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Temu, Shein, Taobao… làm cho các mặt hàng được nhập từ thị trường được coi là “công xưởng thế giới” vào Việt Nam ngày càng nhiều, thời gian vận chuyển ngắn, giá rẻ đang gây áp lực lớn đối với hàng nội địa.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, hàng Trung Quốc nhập về Việt Nam có giá rẻ nhờ chi phí logistics thấp. “Làm sao để doanh nghiệp logistics Việt Nam thu hẹp khoảng cách này, nếu không làm được thì các ngành sản xuất trong nước sẽ khó tồn tại”, ông Hải đặt vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung cũng thừa nhận ngành logistics còn tồn tại bốn điểm yếu. Thứ nhất là chính sách, thể chế đối với ngành logistics còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ.

Thứ hai, thiếu những cảng trung chuyển, gắn liền hệ thống sân bay, trung tâm tài chính. Hiện Việt Nam chỉ mới có các cầu cảng dài 300 - 350m nhưng sau này xuất hiện những cầu cảng dài hàng km nên cần cảng trung chuyển gắn liền khu chế xuất, hệ thống giao thông hiện đại.

Thứ ba, doanh nghiệp ngành logistics mới phát triển còn non trẻ, khả năng cạnh tranh chưa cao. Thứ tư, đầu tư nhân lực cho ngành logistics còn thiếu và yếu, chưa bắt kịp xu hướng chuyển đổi.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Cao Hồng Phong, Phó tổng giám đốc Gemalink (đơn vị thành viên của Gemadept) cho rằng, cần phát triển hạ tầng kết nối bao gồm cảng với các hệ thống giao thông khác như đường bộ, đường sắt, đường hàng không để tạo ra một mạng lưới logistics hiệu quả. Ví dụ, đầu tư công trong lĩnh vực thủy nội địa hiện chỉ chiếm gần 2% ngân sách đầu tư trong khi lĩnh vực này đóng góp đến 20% sản lượng vận chuyển.

“Chìa khóa” để ngành logistics bứt phá

Nhiều chuyên gia đồng thuận rằng chuyển đổi số là một trong các phương thức hiệu quả kéo giảm chi phí và để ngành logistics bứt phá.

Đầu năm 2024, Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã triển khai công nghệ robot tự hành trong trung tâm chia chọn hàng ở tổ hợp 32.000m2 tại Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Với 200 robot tự hành (robot AGV) có chức năng phân loại hàng nhẹ với tốc độ 2m/s.

Ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel Post cho biết, robot là những công nhân cần mẫn, không trì hoãn, làm ngày, làm đêm. “Nhờ dùng robot tự động nên năng suất trong khâu phân loại của Viettel Post tăng khoảng 20-30%”, ông Sơn đánh giá tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2024.

Theo phó tổng giám đốc Viettel Post thì chuyển phát nhanh là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt. Nhờ cạnh tranh, các doanh nghiệp trong ngành đã đẩy nhanh, mạnh chuyển đổi số nên ba năm trở lại đây chi phí dịch vụ chuyển phát giảm 40%.

Ở Viettel Post, robot tự động là một phần trong trong hoạt động chuyển đổi số. Ban đầu Viettel Post chuyển đổi từng bước qua các công cụ internet vạn vật, ứng dụng cho nhân viên.

Sau khi số hóa từng khâu, sẽ lấy dữ liệu để bắt đầu cấu trúc lại, dùng trí tuệ nhân tạo phân tích, xây dựng nền tảng quản trị mạng lưới, giúp quản lý hoàn chỉnh các khâu chuyển phát và giao vận. Nhờ cách làm này, hệ thống đã tối ưu hóa được hoạt động, dự báo được khả năng nghẽn ở đâu để phân bổ nguồn lực phù hợp.

Cũng là doanh nghiệp “gặt hái” được nhiều thành công nhờ chuyển đổi số, ông Cao Hồng Phong cho biết, cảng Gemalink nói riêng và Gemadept nói chung đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào vận hành, khai thác.

Tiêu biểu là các ứng dụng cảng thông minh – SmartPort, RiverGate, SmartGate và các ứng dụng, phần mềm tiên tiến khác…

Những ứng dụng này không chỉ là các công cụ số hóa giao dịch và tự động hóa quy trình, mà còn tăng cường hiệu quả hoạt động, đồng thời đem lại những giá trị cao nhất cho các khách hàng, đối tác, đóng góp thiết thực trong tiến trình số hóa lĩnh vực cảng biển và logistics.

Tuy nhiên theo ông Cao Hồng Phong, việc phát triển cảng thông minh, bền vững là một quá trình dài và đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược, lộ trình và đầu tư phù hợp.

Dưới góc độ đơn vị tư vấn, ông Yoshihiro Wake, Giám đốc phát triển thị trường quốc tế Công ty Abeam Consulting nhìn nhận, việc chuyển đổi số quan trọng đối với ngành logistiscs.

Thông qua số hóa từ lượng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tích hợp và phân tích những dữ liệu trong ngành như đường vận chuyển, phương thức vận chuyển...

Hứa Phương

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/chia-khoa-giup-nganh-logistics-but-pha-d37724.html