Dễ rước bệnh từ thói quen ăn nhiều muối
Dùng quá nhiều muối trong bữa ăn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm.
Muối là khoáng chất có thành phần chủ yếu là natri clorua (NaCl), gồm 60% clorua và khoảng 40% natri, thường được sử dụng làm gia vị, chất bảo quản trong thực phẩm.
Ở mức độ vừa phải, muối rất cần thiết cho cơ thể vì nó giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng, thực hiện các chức năng thần kinh và co cơ. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều muối có thể có tác động xấu đến sức khỏe.
Điều quan trọng là tiêu thụ muối ở mức độ vừa phải và chú ý đến lượng natri tổng thể của cơ thể. Dưới đây là tác hại với sức khỏe từ thói quen ăn quá nhiều muối.
Huyết áp cao
Tác động rõ ràng nhất từ việc ăn quá nhiều muối là tăng huyết áp. Muối chứa natri và khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều natri, cơ thể chúng ta sẽ giữ nước, làm tăng lượng máu và gây áp lực lên thành mạch máu.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Huyết áp cao do ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đau tim, đột quỵ và suy tim.
Ung thư dạ dày
Các chuyên gia y học quốc tế ghi nhận mối tương quan chặt chẽ giữa chế độ ăn nhiều muối và tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Theo một nghiên cứu, người tiêu thụ nhiều muối có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người ăn ít muối.
Họ phát hiện rằng, ăn nhiều muối có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn Helicobacter pylori phát triển. Đây là loại vi khuẩn có thể gây viêm, loét dạ dày và ung thư dạ dày. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy chế độ ăn nhiều muối có thể gây đột biến và nhân lên của tế bào, kích thích phát triển ung thư.
Tổn thương thận
Thận đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng chất lỏng thích hợp trong cơ thể. Tiêu thụ quá nhiều muối có thể làm căng thận, làm suy giảm chức năng của thận, sau cùng dẫn đến tổn thương thận theo thời gian.
Giữ nước
Thận có chức năng duy trì tỷ lệ natri và lượng nước trong cơ thể. Khi một người hấp thụ quá nhiều natri, thận của họ sẽ giữ lại nhiều nước hơn để cân bằng lượng natri dư thừa. Điều này dẫn đến tình trạng giữ nước trong cơ thể, tình trạng giữ nước quá nhiều có thể gây sưng tấy, phù nề ở tay và chân, bọng mắt.
Loãng xương
Ăn nhiều muối có thể làm tăng bài tiết canxi qua nước tiểu, dẫn đến giảm mật độ xương và tăng nguy cơ loãng xương.
Khát nước nhiều hơn
Muối hoạt động như chất kích thích cơn khát tự nhiên, nên việc nạp quá nhiều muối khiến bạn cảm thấy khát hơn, dẫn đến tăng tiêu thụ chất lỏng, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng chất lỏng cơ thể.
Vị giác bị suy giảm
Thường xuyên tiêu thụ lượng muối lớn có thể làm giảm vị giác theo thời gian, khiến việc thưởng thức hương vị tự nhiên của thực phẩm trở nên khó khăn, nó cũng dẫn đến việc bạn sẽ ưa thích thực phẩm mặn nhiều hơn.
Lưu ý khi ăn muối
Dù muối là khoáng chất thiết yếu mà cơ thể cần nhưng phải với lượng vừa phải, ăn quá nhiều có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe.
Bạn nên hạn chế tiêu thụ muối và lựa chọn chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng khác.
Theo các chuyên gia, một người trưởng thành được khuyến nghị tiêu thụ không quá 2.300 miligam muối mỗi ngày, mức lý tưởng cần duy trì cỡ 1.500 mg mỗi ngày, tương đương với 3/4 muỗng cà phê muối.
Những người mắc một số tình trạng sức khỏe từ trước thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có khuyến nghị liều lượng muối phù hợp.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/de-ruoc-benh-tu-thoi-quen-an-nhieu-muoi-ar839544.html