Đề tham khảo Ngữ văn gần gũi, hướng đến liên hệ thực tiễn

Câu hỏi trong đề tham khảo Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đều hướng đến liên hệ thực tiễn và không đánh đố thí sinh.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Thế Đại.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Thế Đại.

Thầy Nguyễn Văn Khuê, giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng, TP.Cần thơ) cho biết: Đề tham khảo môn Ngữ văn giữ nguyên cấu trúc như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với 2 phần: Đọc hiểu (3,0 điểm), Làm văn (7,0 điểm). Thời lượng làm bài 120 phút.

Đề có đầy đủ các mức độ câu hỏi: Nhận biết - thông hiểu - vận dụng với tỷ lệ phù hợp. Ma trận này bảo đảm cho những học sinh kém không bị điểm liệt; đồng thời cũng phân hóa được học sinh, bảo đảm phổ điểm hợp lý.

Phân tích nội dung đề tham khảo ở phần Đọc hiểu, thầy Nguyễn Văn Khuê cho rằng, mức độ câu nhận biết có 2 câu (câu 1, 2) - nhận biết thể thơ, nhận biết từ ngữ trong thơ.

Mức độ thông hiểu là câu 3 (hiểu được nội dung của hai dòng thơ), câu 4 (nhận xét hình ảnh dân tộc Việt Nam trong đoạn trích). Với các yêu cầu nêu trên, học sinh trung bình có thể đạt 75% đến 100% số điểm của phần này.

Phần Làm văn gồm hai câu: Nghị luận xã hội (câu 1), nghị luận văn học (câu 2).

Câu nghị luận xã hội (2,0 điểm) yêu cầu, từ nội dung của ngữ liệu Đọc hiểu, học sinh vận dụng kiến thức và kỹ năng viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống.

Đây là vấn đề gần gũi với học sinh, vừa giúp học sinh trình bày suy nghĩ cá nhân vừa có tác dụng giáo dục ý chí, nghị lực vượt khó cho các em. Vấn đề và yêu cầu đặt ra vừa sức, học sinh trung bình có thể đạt từ 75% đến 100% số điểm.

Câu nghị luận văn học (5,0 điểm) có hai yêu cầu. Yêu cầu 1: Phân tích một đoạn trích trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu. Đây là yêu cầu chính, tỷ lệ điểm chiếm khoảng 85-90% (từ 4,25 đến 4,5 điểm). Đoạn trích thơ mà đề yêu cầu phân tích nằm trong bài thơ Việt Bắc, học sinh đã được học ở học kì I của chương trình Ngữ văn 12. Đây cũng là phần trọng tâm của bài thơ nên học sinh dễ dàng làm được.

Yêu cầu 2: Nhận xét lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích. Đây là yêu cầu nâng cao, nhằm phân hóa học sinh. Yêu cầu này có tỷ lệ điểm khoảng 10-15% (từ 0,5 đến 0,75 điểm).

Tóm lại, thầy Nguyễn Văn Khuê đánh giá: Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2023, bài thi Ngữ văn vẫn giữ ổn định như đề thi tốt nghiệp năm 2022. Cấu trúc đề quen thuộc, vừa sức học sinh; có yêu cầu mở với tỷ lệ phù hợp. Bằng kiến thức và kĩ năng đã được học, được rèn luyện, ôn tập dưới sự hướng dẫn của thầy cô, học sinh sẽ đạt kết quả cao với đề thi tham khảo này.

Đề tham khảo Ngữ văn.

Đề tham khảo Ngữ văn.

Cô Đinh Thị Thúy Nga, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) cùng nhận định khi cho rằng, so với năm 2022, đề tham khảo môn Ngữ văn năm 2023 về cơ bản giữ nguyên cấu trúc chính. Ma trận đề đi từ nhận biết đến vận dụng cao, với số lượng câu phân bố phù hợp.

Tuy nhiên, cô Thúy Nga cho rằng, so với đề thi chính thức năm 2022, độ khó của câu hỏi trong đề tham khảo năm nay giảm đi đáng kể. Hai câu hỏi đầu tiên, ở mức độ nhận biết, học sinh chỉ cần đọc lướt qua ngữ liệu vẫn có thể trả lời được câu hỏi.

Câu hỏi ở mức độ thông hiểu và vận dụng không khó, trên thực tế học sinh có thể kết hợp với hiểu biết của bản thân để trả lời. Câu số 4 khi hỏi nhận xét về hình ảnh dân tộc Việt Nam được thể hiện trong đoạn trích, tuy nhiên, vấn đề được nhắc tới cũng không mới nên rất không có sự thách thức, phân loại học sinh.

Cô Đinh Thị Thúy Nga.

Cô Đinh Thị Thúy Nga.

Phần Làm văn nghị luận xã hội đưa ra yêu cầu nghị luận về sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống. Đây là vấn đề có ý nghĩa liên hệ thực tế cao khi đặt trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động, bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và những ảnh hưởng nghiêm trọng sau đại dịch, thiên tai.

Từ hình ảnh thiên nhiên con người từ thuở sơ khai từng ngày vươn lên kiến tạo lịch sử, tạo nên một dân tộc Việt Nam lớn mạnh, học sinh cần nhìn nhận sức mạnh của tinh thần vượt khó có thể tạo thành những điều phi thường.

Với đề bài này, học sinh cần biết những định nghĩa “sức mạnh”, “tinh thần vượt khó” và có hiểu biết nhất vốn sống, văn hóa Việt, có những lập luận rõ ràng trong việc nhìn nhận các yếu tố, hành vi của con người liên quan tới văn hóa truyền thống mới có thể làm được bài.

Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất (5 điểm) nằm trong đoạn trích Việt Bắc của Tố Hữu. Vấn đề nghị luận vẫn bao gồm 2 vế, trong đó vế chính yêu cầu học sinh phân tích đoạn trích và vế phụ cần rút ra nhận xét về lẽ sống ân tình được thể hiện thông qua đoạn trích đó.

Về cơ bản, đây là đoạn thơ hay, có nhiều điểm sáng nghệ thuật và cho phép học sinh nêu cảm nhận của mình về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc.

Vế thứ nhất vừa kiểm tra được kiến thức cơ bản của học sinh, vừa tạo điều kiện để học sinh thể hiện năng lực thẩm mĩ trong quá trình cảm thụ tác phẩm.

Vế thứ hai hỏi về lẽ sống ân nghĩa trong đoạn trích. Học sinh cần đưa ra cảm nhận của mình về tình cảm người cán bộ cách mạng về xuôi đối với đồng bào Việt Bắc và có thể liên hệ đến lẽ sống ân nghĩa trong xã hội hôm nay.

“Nhìn chung, đề minh họa môn Ngữ văn kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023 không quá khó, không có quá nhiều sự thay đổi và vẫn có cấu trúc tương tự đề thi năm trước. Những câu hỏi ở cả phần đọc hiểu là làm văn đều hướng đến việc liên hệ thực tiễn, không đánh đố thí sinh”, cô Đinh Thị Thúy Nga nhận định.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-tham-khao-ngu-van-gan-gui-huong-den-lien-he-thuc-tien-post628307.html