Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Bước chậm lại giữa thế gian vội vã

Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về thông điệp cuộc sống được gợi ra từ nhan đề cuốn sách 'Bước chậm lại giữa thế gian vội vã' của tác giả Hae Min.

Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã tổ chức kì thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia, trong đó có môn Ngữ văn. Đề thi (vòng 1) gồm 2 câu: nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nội dung đề thi như sau:

Câu 1. Bước chậm lại giữa thế gian vội vã là nhan đề bản dịch tiếng Việt cuốn sách của tác giả Hae Min - tu sĩ, giáo sư, nhà văn Phật giáo người Hàn Quốc.

Từ góc nhìn của một người trẻ, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ về thông điệp cuộc sống được gợi ra từ nhan đề trên.

Câu 2. Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận với nhan đề "Văn học và những chân trời chờ đợi".

"Bước chậm lại giữa thế gian vội vã" - bản dịch tiếng Việt cuốn sách của tác giả Hae Min - tu sĩ, giáo sư, nhà văn Phật giáo người Hàn Quốc.

"Bước chậm lại giữa thế gian vội vã" - bản dịch tiếng Việt cuốn sách của tác giả Hae Min - tu sĩ, giáo sư, nhà văn Phật giáo người Hàn Quốc.

Gợi ý đáp án nghị luận xã hội với thông điệp "Bước chậm lại giữa thế gian vội vã"

Giải thích: "bước chậm lại" là tách mình ra khỏi xu hướng vội vã để cảm nhận sâu sắc bản thể và cuộc sống. "Thế gian vội vã" là nhịp sống gấp, xô bồ của con người thời hiện đại.

Thông điệp được gợi ra từ nhan đề: cần tĩnh lặng để lắng nghe, thấu hiểu, đắp bồi con người tinh thần của chính mình; gìn giữ những giá trị nhân văn cốt lõi của con người giữa dòng đời tấp nập.

Bàn luận: Cuộc sống hiện đại cuốn con người vào guồng quay vội vã, khiến con người mải miết lao mình theo những giá trị vật chất và tinh thần, dễ cảm thấy mệt mỏi trước những áp lực, hoang mang trước nhiều ngã rẽ, đôi khi, tự đánh mất chính mình.

Việc chạy theo nhịp sống vội vã khiến con người đánh mất những phút giây tận hưởng cái đẹp bình dị xung quanh mình, thiếu thời gian chăm sóc bản thân và những mối quan hệ đáng quý; những giá trị tốt đẹp của xã hội dễ bị tha hóa, lung lay.

Bước chậm lại giúp con người có khoảng lặng để quay trở về lắng nghe, thấu hiểu chính mình; có thời gian để làm mới, làm giàu đời sống tinh thần, tâm hồn của chính mình. Khi có sức mạnh nội tại, con người có đủ sự bình an bên trong để vững vàng đối diện với những nghịch cảnh của cuộc sống.

Bước chậm lại không có nghĩa là thụ động, buông xuôi, thờ ơ trước mọi đổi thay của cuộc sống; thiếu tinh thần cầu tiến, thiếu nỗ lực vươn lên. Có những vội vã của thế gian đòi hỏi bản thân phải nhanh nhạy thích ứng để không bị tụt hậu, đào thải.

Bài học: Nhận thức sâu sắc giá trị của bản thân và những giá trị mà bản thân theo đuổi; nhận thức được những xu hướng tích cực và tiêu cực của cuộc sống.

Tĩnh lặng quan sát cuộc sống, bình tâm trước những đổi thay của cuộc đời; lắng nghe, kết nối với thế giới bên ngoài và lắng nghe tiếng nói nội tâm của chính mình.

Có kế hoạch phù hợp để hoàn thiện bản thân, rèn luyện bản lĩnh để hòa nhập tốt với cuộc sống nhưng không bị tha hóa, đánh mất mình trước những đổi thay của cuộc sống.

Gợi ý đáp án nghị luận văn học - "Văn học và những chân trời chờ đợi"

Giải thích: "văn học" là loại hình nghệ thuật sáng tạo bằng ngôn từ, phản ánh hiện thực qua lăng kính chủ quan nhằm gửi gắm tư tưởng, tình cảm,... của nhà văn về con người và cuộc sống. "Chân trời chờ đợi" là khoảng trống, khoảng trắng mời gọi, mong muốn được mở rộng, làm đầy,... để gia tăng giá trị cho tác phẩm văn học và mở rộng các chiều kích của đối tượng tiếp nhận từ tác phẩm.

Văn học và những chân trời chờ đợi: mối quan hệ biện chứng giữa văn học với bạn đọc - bạn đọc chờ đợi tác phẩm và tác phẩm chờ đợi bạn đọc.

Bàn luận – chứng minh: Nhà văn là người sáng tạo tác phẩm nhưng quyết định sự sống còn của tác phẩm là độc giả. Chính vì vậy, mỗi tác phẩm văn học ra đời luôn chờ đợi sự đón nhận của độc giả.

Nhu cầu, phản hồi từ bạn đọc giúp nhà văn luôn có tâm thế sáng tạo không ngừng để mang đến những chân trời chờ đợi mới mẻ, độc đáo, những tác phẩm có giá trị vượt thời gian...

Do đặc thù đa nghĩa của chất liệu sáng tác (ngôn từ nghệ thuật), phương tiện giao tiếp giữa nhà văn và bạn đọc (hình tượng nghệ thuật), mọi tác phẩm văn học đều dang dở, luôn chứa đựng những khoảng trắng, khoảng trống đòi hỏi bạn đọc cắt nghĩa, lí giải để bổ sung, gia tăng giá trị cho tác phẩm. Tầm đón nhận của bạn đọc sẽ quyết định giá trị tư tưởng tác phẩm nông hay sâu, rộng hay hẹp, thậm chí thay đổi, làm mới cách hiểu, cách lí giải cho tác phẩm.

Bạn đọc chờ đợi tác phẩm để có cơ hội thách thức tâm trí chính mình: mở rộng và nâng cao nhận thức, hình thành thế giới quan, đắp bồi tâm hồn, mài sắc các giác quan để thưởng thức các bình diện của cái đẹp trong cuộc sống,...

Chứng minh: thí sinh cần huy động và chọn lọc dẫn chứng tiêu biểu để làm rõ những chân trời chờ đợi trong quá trình tiếp nhận. Đánh giá cao những bài viết sử dụng dẫn chứng đa dạng về thể loại, tiến trình, có văn học trong nước và văn học nước ngoài.

Mở rộng: Tác phẩm văn học không chỉ là chân trời chờ đợi của bạn đọc mà còn là chân trời chờ đợi của chủ thể sáng tạo. Những chân trời chờ đợi chỉ có giá trị khi tác phẩm chứa đựng tư tưởng nhân văn, được biểu đạt bằng hình thức độc đáo, giàu sức gợi.

Nhà văn cần trau dồi vốn sống, có ý thức sáng tạo cao, có khả năng mở ra những chân trời chờ đợi vừa phản ánh, dự báo, vừa cải tạo hiện thực theo hướng tốt đẹp hơn.

Người đọc trong quá trình tiếp nhận cần nâng cao trình độ, thị hiếu, năng lực thẩm mĩ và tiếp nhận một cách chủ động, sáng tạo để mang đến những giá trị mới cho tác phẩm.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-buoc-cham-lai-giua-the-gian-voi-va-179231208094134835.htm