Đề thi tốt nghiệp môn Văn từ 2025: Có tránh được 'học tủ' văn mẫu?
Điểm mới nhất của yêu cầu và định dạng đề minh họa môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố chủ yếu tập trung vào yêu cầu viết nghị luận văn học với ngữ liệu mới (văn bản không có trong các sách giáo khoa).
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một bước tiến lớn trong việc thi, kiểm tra ở môn Ngữ văn nhằm đánh giá theo năng lực, khuyến khích sự sáng tạo, động viên học sinh bày tỏ ý kiến riêng và góp phần khắc phục hiện tượng dạy tủ, học thuộc, chép văn mẫu. Tuy nhiên, kéo theo sự thay đổi này là cách dạy học, cách ôn luyện, kiểm tra đánh giá học sinh trong trường THPT cũng phải thay đổi.
Theo đánh giá của các giáo viên môn Ngữ văn, nhìn chung cấu trúc đề thi minh họa môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD&ĐT công bố (dùng thử nghiệm với học sinh lớp 10, kì I) đã bám sát đúng các yêu cầu về đánh giá của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Đề thi vừa kế thừa phần đọc hiểu và nghị luận xã hội lâu nay đã khá quen thuộc, vừa tập trung đổi mới ở phần viết nghị luận văn học nhằm khắc phục việc học thuộc và chép văn mẫu.
Bên cạnh đó, đề thi chú trọng cả viết đoạn và viết bài văn bằng việc có cả 2 yêu cầu trong đề thi với giới hạn đoạn khoảng 200 chữ và bài khoảng 600 chữ. Đặc biệt, phần nghị luận văn học yêu cầu viết với ngữ liệu mới (không có trong các sách giáo khoa), đòi hỏi học sinh phải tự hiểu, tự nêu lên suy nghĩ của chính mình; không học thuộc và không chép văn mẫu được.
TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, sự thay đổi lớn nhất trong đề minh họa môn Ngữ văn chính là ở khâu lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cho đọc hiểu và viết, dù viết nghị luận xã hội hay nghị luận văn học. Đây là cách triệt tiêu tình trạng học tủ, học vẹt, học theo văn mẫu vốn là vấn nạn hầu như không thể thay đổi suốt mấy thập kỉ nay.
Sử dụng những ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, đề thi không chỉ làm thay đổi cách dạy và học văn bao năm nay mà còn có giá trị mở rộng vốn đọc cho học sinh, gắn văn chương với cuộc đời, từng bước hình thành năng lực tự chủ, tự giải quyết vấn đề cho học sinh khi các em đối diện với một văn bản mới, một vấn đề mới, tự mình phải vận dụng những năng lực, những trải nghiệm bản thân để khám phá, tư duy, tìm ra hướng phân tích, cách diễn đạt độc lập…
Để học sinh có thể làm quen và làm tốt yêu cầu này, nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình dạy học, đòi hỏi giáo viên cũng phải thay đổi cách dạy, cách kiểm tra đánh giá theo hướng tăng cường các bài tập thực hành với các văn bản ngoài sách giáo khoa để học sinh tìm hiểu, nhận biết. Khả thi nhất là học xong bài về thể loại nào, giáo viên cần có ngay những bài tập vận dụng cho thể loại đó với những yêu cầu phù hợp với mục tiêu cần đạt của khối lớp đó để hình thành thói quen, kỹ năng cho học sinh. Về lâu dài, cũng cần tính tới việc xây dựng ngân hàng ngữ liệu cho việc kiểm tra, đánh giá đối với môn Ngữ văn.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn, chương trình GDPT mới 2018 cho biết: Việc công bố định dạng và cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nói chung và đề minh họa môn Ngữ văn nói riêng đã gợi ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong dạy học, ôn luyện và kiểm tra, đánh giá ở nhà trường phổ thông, nhất là vấn đề xây dựng ngân hàng ngữ liệu mới. Yêu cầu này hết sức khẩn thiết, nhất là với các kì thi lớn, nếu muốn có những đề thi hay, chất lượng.
Theo phân tích của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, điều cần nhấn mạnh ở đây chính là ngân hàng ngữ liệu chứ không phải ngân hàng đề. Đó là kho ngữ liệu về các loại văn bản, các thể loại văn học hay, tiêu biểu, phù hợp để người ra đề tham khảo, lựa chọn đưa vào đề văn cho mỗi kì thi. Ngân hàng ấy bảo đảm đầy đủ tất cả các loại văn bản (văn học, nghị luận, thông tin), tất cả các thể loại văn học quy định trong chương trình Ngữ văn 2018.
Việc xây dựng ngân hàng ngữ liệu mới có nhiều cấp độ: Ngân hàng của giáo viên, của tổ bộ môn, của quận/ huyện, của tỉnh/thành và của Bộ GD&ĐT. Càng cấp lớn hơn thì ngân hàng càng cần phong phú hơn bởi về nguyên tắc, các văn bản ngữ liệu trong ngân hàng đề ở các cấp độc lập với nhau, nếu có trùng, số lượng cũng không đáng kể.
Trong đó, với giáo viên, việc tự mình sưu tầm ngân hàng ngữ liệu để có văn bản rèn luyện cho học sinh cách đọc, cách viết trong quá trình dạy học. Với cấp trường, cấp huyện/ thị trở lên, ngân hàng này là để phục vụ việc ra đề kiểm tra, nên cần có chế độ bảo mật nhằm bảo đảm công bằng, khách quan trong đánh giá.
Cũng theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, để tránh việc giáo viên dạy tủ theo ngân hàng ngữ liệu bằng cách cho ôn đúng các văn bản trong "gói" ngữ liệu đòi hỏi phạm vi, cách ôn luyện và ra đề kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh cũng phải theo yêu cầu mới là các thể loại và kiểu văn bản quy định trong chương trình chứ không phải nội dung những văn bản cụ thể ấy.
Điều này đòi hỏi trước hết giáo viên phải chuyển đổi việc dạy và học, đổi mới cách ôn luyện, kiểm tra; cần chuyển từ dạy học theo nội dung sang dạy học theo yêu cầu phát triển năng lực; dạy cách thức đọc các thể loại văn học; các kiểu văn bản; cách viết các kiểu bài mà chương trình đã quy định.
Việc ôn luyện cũng không phải chạy theo nội dung mà luyện tập cách đọc hiểu; cách phân tích, đánh giá một văn bản theo một thể loại với ngữ liệu mới... để sau đó gặp ngữ liệu nào học sinh cũng biết vận dụng để đọc hiểu và tạo lập văn bản theo yêu cầu của đề. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần thường xuyên tích lũy, tuyển lựa các loại văn bản làm ngữ liệu mới cho việc dạy học, để rèn luyện và ra đề kiểm tra, đánh giá.