Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông tăng tính phân loại là cần thiết
Việc tranh cãi quanh đề thi 'dễ hay khó' nên được thay thế bằng câu hỏi: đề thi có thực sự đo lường và phân loại đúng năng lực người học hay không?
Trong mọi hệ thống đánh giá nghiêm túc, một kỳ thi quy mô quốc gia không chỉ nhằm mục đích kiểm tra mức độ ghi nhớ hay hoàn thành chương trình học mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc phân loại học sinh theo năng lực.
Phân loại (theo nghĩa khoa học) không phải là sự sắp xếp mang tính loại trừ mà là quá trình nhận diện và phân bố người học vào các nhóm có trình độ tương ứng, từ đó định hướng đào tạo, phân bổ nguồn lực và xây dựng lộ trình học tập cá nhân hóa.
Khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Việt Nam vừa đảm đương vai trò xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ để tuyển sinh đại học thì tính phân loại lại càng trở nên cần thiết, nếu không muốn nói là bắt buộc.
Tuy nhiên, trong nhiều năm, dư luận vẫn có xu hướng phản ứng tiêu cực trước những đề thi mang tính phân hóa, xem đó là rào cản thay vì công cụ.
Sự phản ứng này, nếu nhìn dưới góc độ giáo dục học và kiểm định đánh giá là một biểu hiện của tư duy điểm số tuyệt đối vốn đang ngày càng lỗi thời trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục.

Ảnh minh họa.
Tư duy điểm số tuyệt đối và giới hạn của nó
Một điểm số chỉ thực sự có giá trị khi được đặt trong bối cảnh cụ thể: học sinh đó đạt được kết quả ấy trong môi trường nào, với mặt bằng học lực ra sao, và với mức độ khó dễ của đề thi như thế nào.
Một điểm 9.0 trong một lớp chuyên có chuẩn đầu ra cao không thể so sánh đơn tuyến với một điểm 9.0 trong một lớp học đại trà vốn không có yêu cầu nâng cao. Khi thiếu vắng bối cảnh, điểm số tuyệt đối dễ trở thành chỉ báo sai lệch. Vì lý do này, nhiều nền giáo dục tiên tiến đã chuyển từ đánh giá tuyệt đối sang đánh giá tương đối.
Tại Mỹ, hồ sơ học sinh không chỉ bao gồm GPA, mà luôn kèm theo xếp hạng trong lớp (class rank), trung vị điểm toàn trường (median GPA) hoặc thư giải trình học thuật của giáo viên chủ nhiệm để cung cấp thêm ngữ cảnh đánh giá. Việc đánh giá năng lực không thể tách rời môi trường nơi năng lực ấy được hình thành và phát triển.
Hệ thống phân loại: Chuẩn mực quốc tế và thiếu vắng trong nước
Trong khi hệ thống giáo dục Việt Nam chưa có cơ chế xếp hạng lớp phổ biến hay chuẩn hóa dữ liệu đầu ra giữa các trường học thì kỳ thi trung học phổ thông là một trong số ít các công cụ có khả năng đo lường năng lực quy mô lớn.
Điều này càng đặt ra yêu cầu rằng đề thi phải có tính phân hóa cao để làm rõ được sự khác biệt về năng lực giữa các nhóm thí sinh.
Nếu đề thi quá dễ, phổ điểm sẽ dồn về vùng cao, dẫn đến hiện tượng “đồng phục điểm số”, nơi các trường đại học không có đủ dữ liệu để tuyển sinh chính xác, và những học sinh có năng lực nổi trội lại bị đánh đồng với mặt bằng chung.
Đây chính là nghịch lý của sự “bình quân giả tạo” khi ai cũng đạt điểm cao thì điểm cao không còn là ưu thế. Điều này đi ngược lại với mục tiêu của mọi hệ thống tuyển sinh chất lượng: lựa chọn những người phù hợp dựa trên dữ liệu đáng tin cậy.
Phân loại và logic của kỳ thi nghiêm túc
Thực tế cho thấy, trong các kỳ thi quốc tế, tính phân loại luôn là yếu tố trọng tâm trong thiết kế đề thi.
Kỳ thi A-Level tại Anh có phổ điểm thấp nhưng lại được các trường đại học đánh giá cao về độ tin cậy phân loại. Tương tự, kỳ thi SAT hay GRE tại Mỹ không nhằm mục đích đánh giá học sinh theo kiểu "được hay không được" mà để định vị tương đối trong phổ năng lực toàn quốc.
Tư duy đánh giá của các kỳ thi này rất rõ ràng: kết quả không phải để tán dương điểm số cao mà là để giúp nhà tuyển sinh xác định ai đang ở đâu trong tổng thể phổ trình độ.
Ngay cả trong các chương trình học bổng quốc tế, học sinh có GPA trung bình nhưng thuộc top 5% lớp vẫn thường được đánh giá cao hơn người có điểm số cao tuyệt đối nhưng đến từ môi trường học kém cạnh tranh.
Tất cả những ví dụ này đều cho thấy rằng điểm số không phải là giá trị tuyệt đối mà là một dữ liệu cần được đọc trong ngữ cảnh tương đối. Đây là điều mà đề thi có tính phân hóa có thể cung cấp.
Phân loại để hướng tới công bằng, không phải tạo áp lực
Phân loại không đồng nghĩa với việc tạo ra áp lực tâm lý hay hình thức "xếp hạng người" mà là một phương pháp mang tính học thuật để nhận diện năng lực khác biệt. Sự khác biệt là bản chất của giáo dục.
Nếu mọi học sinh đều được đánh giá giống nhau, được đưa vào một khuôn mẫu điểm số chung thì không thể có công bằng thật sự.
Ngược lại, khi mỗi học sinh được định vị đúng năng lực, được học theo lộ trình phù hợp thì giáo dục mới thực sự phát huy vai trò phát triển cá nhân và đóng góp xã hội. Phân loại vì thế là công cụ để tạo ra sự công bằng về cơ hội chứ không phải để tạo ra rào cản.
Phân loại là yêu cầu của giáo dục hiện đại
Trong bối cảnh hội nhập giáo dục quốc tế sâu rộng, khi học sinh Việt Nam ngày càng có nhu cầu học tập ở nước ngoài, hoặc tham gia vào các chương trình đào tạo liên kết toàn cầu thì việc xây dựng hệ thống đánh giá, đặc biệt là kỳ thi trung học phổ thông có khả năng phân loại chính xác là nhiệm vụ cấp thiết.
Việc tranh cãi quanh đề thi “dễ hay khó” theo người viết nên được thay thế bằng câu hỏi học thuật hơn: đề thi có thực sự đo lường và phân loại đúng năng lực người học hay không?
Chỉ khi có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi ấy thì nền giáo dục Việt Nam mới có thể tiến đến một hệ sinh thái đào tạo thực chất, nơi người học được phát triển đúng với khả năng, và người tuyển chọn có đủ dữ liệu để đưa ra những quyết định công bằng và hiệu quả.