'Dễ thở' hơn với giá xăng?
Giá xăng dầu vào kỳ điều hành tới (ngày 21/8) vẫn là một ẩn số, nhưng mặt bằng giá xăng thời điểm hiện tại đang về mốc của cuối năm 2021. Người dân đang cảm thấy 'dễ thở' hơn với giá xăng, còn doanh nghiệp giảm được phần nào gánh nặng áp lực chi phí nguyên liệu sản xuất.
Lần giảm thứ 6 liên tiếp?
Còn 2 ngày nữa tới kỳ điều hành giá xăng dầu và việc giá xăng tăng hay giảm vẫn phải chờ. Dữ liệu cập nhật mới nhất cho biết kết thúc phiên giao dịch ngày 17/8, giá WTI tăng 1,83% lên 88,11 USD/thùng, trong khi giá Brent tăng 1,31% lên 93,56 USD/thùng.
Thông tin tổng hợp cũng cho biết tại thị trường Singapore - thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn của Việt Nam đang diễn biến trái chiều. Ngày 10/8 giá xăng RON 92 về mức 104 USD/thùng thì ngày 12/8 đã tăng lên 110,2 USD/thùng, ngày 15/8 là 107,6 USD/thùng. Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 105,92 USD/thùng xăng RON 92; 109,9 USD/thùng xăng RON 95. Tính từ các cơ sở kinh doanh xăng dầu, giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore đang cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 200 đồng/lít, còn dầu diesel, dầu hỏa khoảng 600-700 đồng/lít.
Đại diện một DN đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Bắc cho rằng, giá dầu thế giới là cơ sở để nhà quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Khi giá dầu thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước cũng giảm theo và ngược lại.
Phía người dân và doanh nghiệp, đương nhiên luôn hi vọng giá xăng giảm. Nếu như giá xăng ổn định ở mức thấp là tín hiệu vui đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh; điều này thể hiện nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành và xử lý khẩn trương đầy trách nhiệm, hiệu quả của Quốc hội đối với việc kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Một tính toán cho biết, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Do vậy, khi giá xăng giảm chi phí sản xuất của nền kinh tế giảm, tạo đà cho thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Phạm Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên máy nông nghiệp Việt Trung cho biết, giá xăng giảm, DN sẽ giảm được chi phí sản xuất, việc vận tải xuất khẩu hàng hóa cũng khả quan hơn. Cùng với đó, người lao động cũng phấn khởi vì giảm áp lực chi phí khi thu nhập chưa tăng.
Niềm vui khi giá xăng dầu giảm dễ nhận thấy hơn cả ở những DN vận tải. Đây là những đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá nhiên liệu này. Ông Nguyễn Văn Tùng- Phó Giám đốc Công ty CP vận tải Thái Việt Trung cho biết: “Chúng tôi ký hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải với hành khách theo năm. Khi đó giá xăng dầu mới ở mức 20.000-21.000 đồng/lít. Khi giá xăng dầu lên hơn 33.000 đồng/lít, DN không được điều chỉnh giá nên bị lỗ. Vì thế nên giá xăng dầu giảm thì DN dễ thở hơn rất nhiều”.
Theo bà Trịnh Thị Ngân- Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DN nhỏ vừa và TP Hà Nội (HANOISME), xăng dầu giảm giá sẽ tạo điều kiện để DN thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và giá cả tiêu dùng có cơ hội giảm.
Thời gian qua, cùng với giá xăng dầu tăng mạnh thì nguyên vật liệu sản xuất cũng tăng giá từ 15-20%. Chi phí vận chuyển, chạy máy, kho bãi đều nhích lên DN đối mặt với rất nhiều khó khăn. Việc giá xăng dầu giảm tạo thêm động lực cho DN tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Cần kiểm soát giá cả trên thị trường
Có thể thấy, vì là mặt hàng chiến lược nên sự lên xuống của giá xăng dầu tác động rất mạnh đến mọi lĩnh vực của đời sống và sản xuất. Đánh giá hiệu ứng từ việc giảm giá xăng dầu là tích cực, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, cùng với đó cần kiểm soát giá cả thị trường để giảm bớt gánh nặng chi tiêu, giảm lạm phát kỳ vọng và ổn định kinh tế vĩ mô.
“Xăng dầu tăng giá sẽ khiến các mặt hàng tăng giá ngay lập tức. Nhưng khi xăng dầu giảm giá, có thể các mặt hàng sẽ không xuống tương ứng. Do vậy, giảm giá xăng dầu càng nhanh thì càng có hiệu quả sớm trong việc kiểm soát lạm phát. Cơ quan quản lý cần tính toán sau mức giảm giá xăng nền kinh tế được tác động như thế nào? Đã đạt được mục tiêu kéo giá nhiên liệu để kìm hãm lạm phát hay chưa” – một chuyên gia khuyến nghị.
Hiện nay có 3 nhóm liên quan rất lớn đến giá xăng dầu. Nhóm thứ 1 là giao thông vận tải, chiếm tới 50- 55%. Thứ hai là lương thực thực phẩm, chiếm khoảng 13% tổng mức tăng của CPI. Thứ ba chính là nhà ở, vật liệu xây dựng…Vì thế theo khuyến nghị cần tập trung kiểm soát cả ba nhóm này để việc giảm giá xăng phát huy nhiều hơn.
Chuyên gia kinh tế TS Lê Quốc Phương phân tích, thời điểm tháng 3 giá xăng dầu cao kéo theo chi phí tăng cao, làm ăn không có lời. Việc giá dầu giảm đồng nghĩa chi phí cũng giảm theo. Cũng trong giai đoạn tháng 3, các ngành vận tải, đánh bắt không dám ra khơi, tàu thuyền phải nằm bờ. Nhiều địa phương số lượng tàu cá nằm bờ chiếm khoảng 40%. Chính vì vậy, khi giá xăng dầu có xu hướng “giảm nhiệt” đã tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm, phấn khởi vươn khơi bám biển.
Đánh giá tác động của việc giảm giá xăng dầu, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho hay giá xăng dầu giảm sâu đang tạo ra “cơn gió mát” với người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Giá xăng dầu giảm giúp cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm theo và có tác động lan tỏa lớn, nhất là với các lĩnh vực như vận tải, đánh bắt hải sản…
Giới chuyên gia cũng khẳng định, xăng dầu là một mặt hàng rất quan trọng đối với các ngành sản xuất - kinh doanh thương mại của Việt Nam. Bởi trong cơ cấu các ngành thì lưu thông hàng hóa cho thị trường thiết yếu, những sản phẩm lưu thông trong nước chủ yếu được vận chuyển qua giao thông đường bộ. Vì thế, giữ vững giá xăng dầu sẽ góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đã đề ra từ đầu năm.
Cùng với đó, nếu giá xăng dầu bình ổn được, sẽ giữ được lợi thế cho các DN Việt Nam, tác động tích cực đến rất nhiều ngành, kể cả lĩnh vực lưu thông hàng hóa nội địa và lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt giữ được lạm phát không tăng lên, góp phần tạo nên yếu tố rất quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong công tác điều hành mặt hàng xăng dầu, ông Trần Duy Đông cho biết, liên Bộ Công thương - Tài chính cũng liên tục theo dõi sát diễn biến của giá thế giới để tiếp tục có những kiến nghị liên quan tới vấn đề về thuế, phí nhằm hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp... Cùng với đó, từ nay đến cuối năm 2022, ngành Công thương tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện, xử lý DN kinh doanh xăng dầu đầu cơ găm hàng, vi phạm quy định niêm yết giá và ngừng cung cấp hoặc gián đoạn cung cấp xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:
Giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng, là chi phí đầu vào của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm giá mặt hàng này sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp; đồng thời, góp phần giảm chi phí trong khâu vận chuyển, từ đó giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giảm giá xăng dầu trực tiếp làm giảm mức lạm phát của nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho xăng dầu của người dân; góp phần đảm bảo hiệu quả thực hiện các chính sách, giải pháp và Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, từ đó tiếp tục tạo thêm việc làm, tạo thêm thu nhập góp phần nâng cao mức sống người dân, đặc biệt đối với người lao động.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN NVV Hà Nội:
Giá cả tiêu dùng sẽ giảm
Giá xăng dầu giảm sẽ tạo điều kiện cho DN thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và giá cả tiêu dùng sẽ giảm. Qua đó, đời sống sinh hoạt của người dân đỡ khó khăn hơn, góp phần phát triển kinh doanh của ngành du lịch, vận tải nói riêng, các ngành khác sẽ giảm chi phí đầu vào trong sản xuất kinh doanh nói chung. Theo dự báo, nếu giá hàng hóa trên thị trường thế giới duy trì xu hướng giảm như thời gian qua, tới đây giá một số mặt hàng trong nước có thể giảm thêm vì hàng nhập khẩu luôn có độ trễ.
T.Hằng (ghi)
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/de-tho-hon-voi-gia-xang-5694502.html