Để thu hút đầu tư nhà ở xã hội
Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 do Quốc hội tổ chức mới đây, trong phiên thảo luận Chuyên đề 'Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới', vấn đề nhà ở xã hội đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi.
Quy định rõ các chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới. Dự án Luật có 8 nhóm chính sách, trong đó có chính sách về phát triển nhà ở xã hội.
Chính phủ chỉ đạo để bảo đảm nguyên tắc về tính thống nhất với các Luật Đất đai, Đầu tư, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, cũng như, cải cách thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội. Riêng nhóm chính sách về nhà ở xã hội, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thống nhất sẽ có hiệu lực ngay sau khi dự án Luật được Quốc hội thông qua.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, về các chính sách nhà ở xã hội, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung chính sách nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp gồm nhà ở xã hội, nhà lưu trú và chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, Dự thảo Luật quy định rõ các chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư tham gia dự án nhà ở xã hội. Theo đó, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất; hưởng lợi nhuận 10%; được dành 20% diện tích đất thương mại dịch vụ để đầu tư các tiện ích cũng như các dịch vụ thương mại để phục vụ các cư dân trong khu vực dự án; được vay nguồn vốn ưu đãi với lãi suất ưu đãi thông qua các ngân hàng thương mại hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội…
Đáng quan tâm, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng giảm bớt các thủ tục trong xác định đối tượng mua nhà ở xã hội. Theo quy định hiện hành, công dân muốn được mua nhà ở xã hội phải là người chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.
Trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), điều kiện về thu nhập được xem xét theo hướng mở rộng, xem xét ở mức thu nhập cao hơn; điều kiện về nhà ở, trước đây nếu có nhà ở nhưng dưới 10m2 thì mới thuộc đối tượng được thuê mua nhà ở xã hội, thì nay có thể xem xét lên mức diện tích 15m2/người, giống như một số nước trong khu vực…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, những sửa đổi này sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn, tạo cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở đô thị, cán bộ, công chức, công nhân lao động trong các khu công nghiệp…
Tăng lợi nhuận định mức của các nhà đầu tư
Tại Diễn đàn, ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo Chiến lược phát triển nhà ở, mục tiêu của thành phố Hà Nội là phát triển 6,8 triệu mét vuông. Đây là chỉ tiêu lớn và để hoàn thành mục tiêu này, việc đề xuất, tham mưu chính sách thu hút các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia là cần thiết. Trong đó, Thành phố đề nghị cần có giải pháp cải cách về trình tự thủ tục, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Trong đó, liên quan đến tiền sử dụng đất thu được từ 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong khu nhà ở thương mại, thành phố Hà Nội đề xuất sửa đổi khoản 3 điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng được sử dụng số tiền này thông qua quỹ phát triển nhà ở địa phương để phát triển đầu tư hoặc cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, đề xuất tăng lợi nhuận định mức của các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội lên 15% (quy định hiện hành và theo Dự thảo Luật là 10%).
Trong tham luận gửi đến Diễn đàn, nhóm tác giả gồm kỹ sư Lê Huỳnh Cương Nghị, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Quang và kỹ sư Nguyễn Phước Hiệp cho rằng, nhu cầu nhà ở xã hội và nhà ở thương mại lợi nhuận thấp ngày càng bức thiết bởi cơ cấu dân số Việt Nam đang bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng, với gần 70% dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 - 59 tuổi). Theo Tổng cục Thống kê, với tốc độ gia tăng dân số 1,03%/năm như hiện nay, xã hội sẽ phải đầu tư xây dựng mới khoảng 25 triệu m² nhà ở nhằm đáp ứng tình trạng gia tăng dân số và di cư của người dân đến các đô thị lớn.
Trong khi đó, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay đang có sự lệch pha cung cầu, khi số lượng các dự án bất động sản cao cấp chiếm áp đảo so với các phân khúc còn lại. Nguồn cung đối với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại lợi nhuận thấp ngày càng khan hiếm do hai dòng sản phẩm này không thu hút được nhiều nhà đầu tư và phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, theo thông tin được công bố về nhà ở và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, ở phân khúc nhà ở xã hội, trong quý I/2023, chỉ có 1 dự án với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới, 4 dự án với quy mô 934 căn hộ được hoàn thành.
Từ thực tế này, nhóm tác giả nói trên cho rằng, chính sách phát triển nhà ở xã hội phải mang tính sáng tạo, phải trao quyền chủ động cho các chính quyền địa phương bằng các qui chế hợp tác phát triển nhà ở, trong đó phân định trách nhiệm cụ thể của bộ, ban, ngành và các chính quyền địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ chế huy động nguồn lực phát triển nhà ở xã hội từ người mua nhà, có sự hỗ trợ từ Nhà nước và các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ…
Khắc phục các tồn tại trước đây về việc dành quỹ đất cho nhà ở xã hội, chỉ dành 20% trong các dự án nhà thương mại ở đô thị từ loại III trở lên, Dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng: Giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình kế hoạch đã duyệt. Như vậy Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại hoặc bố trí dự án độc lập, đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-thu-hut-dau-tu-nha-o-xa-hoi-160705.html