Để thương mại điện tử trở thành 'sân chơi' cho hợp tác xã
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, dù đã tiếp cận với bán hàng online nhưng tỷ lệ hàng hóa bán theo hình thức này của hợp tác xã vẫn chưa cao.
Bắt nhịp xu hướng mua sắm mới, nhiều hợp tác xã cũng đã manh nha chuyển đổi số theo nhiều hướng như đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, trực tiếp livetream bán hàng…với mục đích đưa sản phẩm của hợp tác xã tới tay người tiêu dùng nhanh nhất. Thế nhưng, bên cạnh những mô hình thành công vẫn còn khá nhiều bất cập khiến quá trình hướng thương mại điện tử trở thành sân chơi cho hợp tác xã trong việc tiếp cận khách hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm còn nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Hợp tác xã Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam cho biết: Là đơn vị sở hữu sản phẩm Đông trùng hạ thảo đạt chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao nên hợp tác xã đã tiếp cận các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ. Tuy nhiên, việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử không hề dễ dàng bởi quy trình kiểm soát sản phẩm chưa rõ nên hàng thật hàng giả lẫn lộn khó lựa chọn đối tác kinh doanh.
Không dừng lại ở đó, sự khác biệt giữa bán hàng trực tiếp và trực tuyến cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho các hợp tác xã bởi nhân sự chưa được đào tạo một cách bài bản về tin học. Đây không phải là trường hợp duy nhất gặp khó khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử bởi quy mô nhỏ lẻ, trình độ sản xuất và năng lực vận hành hạn chế là những rào cản tạo ra khó khăn trong triển khai bán hàng của doanh nghiệp, hợp tác xã tại các địa phương trên nền tảng số. Hơn nữa, hạ tầng cơ sở logistics, chi phí vận chuyển giao hàng chiếm tỷ trọng khá lớn, từ 20 - 30%, thậm chí có khi tới 40% cũng đang tạo áp lực không nhỏ trong việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Ông Nghiêm Xuân Dưng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ, dịch vụ Hòa Phát (Đắk Nông) chia sẻ, sầu riêng mặc dù là sản phẩm thế mạnh của hợp tác xã nhưng khi đưa lên sàn thương mại điện tử lại gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, đây là mặt hàng không thể để tồn kho mà cần tiêu thụ sớm.
Thế nhưng, do nguồn vốn hạn hẹp nên hợp tác xã chưa thể đầu tư công nghệ cấp đông, chế biến. Hơn nữa, hợp tác xã cũng chưa liên kết được với doanh nghiệp khiến việc bán hàng online mới chỉ dừng lại là một kênh trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, phục vụ khách tìm hiểu về sản phẩm cũng như so sánh giá cả.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, dù đã tiếp cận với bán hàng online nhưng tỷ lệ hàng hóa bán theo hình thức này của hợp tác xã vẫn chưa cao. Sở dĩ vậy bởi liên kết giữa hợp tác xã với các sàn thương mại điện tử vẫn còn rời rạc. Ngoài ra, khi đưa hàng lên sàn thương mại điện tử, hợp tác xã còn chịu sự phụ thuộc nhất định vào đơn vị lưu trữ hàng hóa để bảo đảm mức chiết khấu phù hợp với người mua.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, mặc dù rất nhiều hợp tác xã muốn bán hàng hiệu quả trên sàn thương mại điện tử nhưng kiến thức về công nghệ đều thiếu và yếu đã tạo rào cản lớn trong quá trình này. Một lý do mà đến nay các hợp tác xã vẫn duy trì bán hàng theo phương thức truyền thống là dù muốn chuyển đổi nhưng không biết bắt đầu từ đâu như việc chụp ảnh, bán hàng livetream hay tương tác với khách…
Không những thế, một điểm nghẽn của hợp tác xã là phụ thuộc vào các sàn thương mại điện tử, nhất là về công nghệ nên khi các sàn vào chương trình khuyến mại giảm giá lớn, lượng khách truy cập nhiều sẽ dẫn đến sự cố sập mạng. Điều này dẫn tới việc người tiêu dùng không thể truy cập vào gian hàng của hợp tác xã nên lượng tương tác kém, hiệu quả bán hàng không cao.
Đại diện một số hợp tác xã bày tỏ, khi đưa sản phẩm lên các sàn-nền tảng thương mại điện tử, việc cạnh tranh rất khốc liệt. Bởi để doanh nghiệp, đối tác lựa chọn làm nhà cung cấp, hợp tác xã phải cân đối, bảo đảm nhiều yếu tố từ quy trình sản xuất, bao bì, mẫu mã, chất lượng, chi phí… Hơn nữa, nếu trong quá trình báo giá với sàn thương mại, khách hàng, giá sản phẩm chỉ cần chênh nhau một chút, cơ hội chưa chắc đã thuộc về với hợp tác xã.
Mặt khác, nhiều hợp tác xã đang kinh doanh trên các sàn-nền tảng thương mại điện tử gần đây đã chú trọng bán hàng trên Tik Tok bởi ở đây có số lượng người làm sáng tạo nội dung lớn nhất. Bởi các hợp tác xã muốn đẩy mạnh quảng bá, kinh doanh sản phẩm chọn kênh bán hàng này bằng cách sáng tạo nội dung hoặc tiếp thị liên kết, tức là kết hợp với người có sức ảnh hưởng, nổi tiếng để quảng bá, bán sản phẩm. Chẳng hạn như: nhà vườn Đà Lạt (Lâm Đồng), Hợp tác xã ba khía Đầm Dơi (Cà Mau), Hợp tác xã miến Việt Cường (Thái Nguyên)…
Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, có tới 60% nông dân, hợp tác xã sẵn sàng chi tiền cho các dịch vụ tư vấn và thông tin dự báo. Điều này thể hiện tinh thần học hỏi, nâng cao kỹ năng chuyển đổi số luôn sẵn sàng trong hợp tác xã. Đặc biệt, nếu được tiếp cận các cơ sở đào tạo, tập huấn và kết nối với sàn thương mại và nền tảng xã hội, hợp tác xã sẽ nâng cao năng lực cũng như giải quyết những khúc mắc trong bán hàng online.
Tại chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ đã đề ra mỗi nông dân sẽ là một thương nhân và mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số. Do đó, nông dân, hợp tác xã cần được đào tạo, hỗ trợ để trở thành những nhà bán hàng thương mại điện tử thực thụ thay vì chỉ đưa sản phẩm lên sàn như hiện nay.
Đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) cho biết: Thời gian qua, các hợp tác xã tập trung sản xuất, cố gắng tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng mà chưa thực sự đầu tư nhân lực cho việc phát triển mảng thương mại điện tử. Trong khi đó, đây là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một bộ phận người tiêu dùng trẻ nhưng vẫn còn một khoảng cách tương đối lớn đối với người cao tuổi chưa bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ. Cùng đó, việc cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử là điều không tránh khỏi nhưng do còn nhiều khó khăn về quy mô, vốn… nên các hợp tác xã chưa biết cách đầu tư nhân lực, xây dựng các chiến dịch marketing, quảng cáo từ đó rất cần hỗ trợ một cách bài bản.
Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư, các hợp tác xã và bà con nông dân cần có một tư duy đổi mới để có thể tận dụng được hết mức các lợi ích của thương mại điện tử. Bởi, kinh doanh qua sàn thương mại điện tử không chỉ dừng lại ở thu hoạch và bán mà cần có sự đầu tư vào khâu đóng gói, hậu cần, vận chuyển hay làm hình ảnh quảng bá để cải tiến cách làm và phát triển sản xuất kinh doanh một cách tối ưu.
Xung quanh vấn đề này, giới phân tích cho rằng, trước xu hướng mới việc lựa chọn bán hàng online là yếu tố bắt buộc với hợp tác xã nhưng lựa chọn sàn-nền tảng thương mại điện tử, nào để bán hàng cần được cân nhắc và tính toán một cách phù hợp. Đáng lưu ý, nông dân, hợp tác xã muốn kinh doanh hiệu quả trên các nền tảng thương mại điện tử cần chủ động trong vận hành gian hàng trên sàn thương mại; trong đó, giải pháp thiết thực là tận dụng hệ thống đoàn viên, thanh niên trong việc hỗ trợ hợp tác xã, nông dân tiếp cận với nền tảng thương mại và công nghệ. Ngoài ra, để tăng sự tương tác trên nền tảng thương mại điện tử, việc đào tạo nông dân, thành viên hợp tác xã về cách tiếp cận khách hàng sẽ thúc đẩy nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các Chương trình kết nối thương mại điện tử kết hợp đào tạo, tập huấn thương mại điện tử tại một số tỉnh, thành phố. Đặc biệt, đẩy mạnh kết nối theo vùng, thúc đẩy liên kết vùng để tiêu thụ nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương qua phương thức thương mại điện tử.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành (sanviet.vn), kết nối và tạo nền tảng hỗ trợ cho cả người bán, người mua và các nền tảng số trong việc cung cấp hàng hóa, kết nối dịch vụ, tạo điều kiện phát triển thị trường thương mại điện tử một cách cạnh tranh, minh bạch. Điều này từng bước xây dựng Cơ sở dữ liệu bán lẻ trực tuyến tập trung xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương và giúp người tiêu dùng cuối cùng mua được sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-thuong-mai-dien-tu-tro-thanh-san-choi-cho-hop-tac-xa/329370.html