Để tiếng cồng chiêng ngân vang mãi với đại ngàn
Cồng chiêng là nét văn hóa độc đáo, thể hiện đời sống tâm linh, nghệ thuật và cả tính cộng đồng sâu sắc của người Ba Na ở Gia Lai.
Trải qua bao đời nay, cồng chiêng vẫn giữ vị trí quan trọng trong văn hóa, đời sống của người Ba Na ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Cồng chiêng gắn liền với đời sống
Già Đinh Grer (làng Stơ, xã Tơ Tung, huyện Kbang) bảo rằng cồng chiêng không thể thiếu đối với văn hóa người dân tộc Ba Na. Cồng chiêng được đánh trong tất cả các dịp lễ hội quan trọng như: Lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ cưới, lễ bỏ mả...
Mỗi lễ hội khác nhau thì các đội sẽ đánh những bài cồng chiêng khác nhau, có ý nghĩa riêng. Điểm chung là các bài cồng chiêng đều thể hiện lòng tôn kính với thần linh, thiên nhiên hoặc cầu mong bình an, mùa màng bội thu...
"Mỗi khi có lễ hội, bà con lại cùng nhau đánh cồng chiêng, nắm tay nhau nhảy múa. Đối với người Ba Na chúng tôi, mỗi dịp lễ hội như vậy là vui nhất" - già Đinh Drer nói.
Theo già Đinh Grer, một bộ chiêng của người Ba Na thường có 6-12 chiếc, mỗi chiếc lại có âm thanh khác nhau nhưng khi tất cả cùng hòa quyện sẽ tạo ra giai điệu độc đáo.
Để đánh được cồng chiêng, người nghệ nhân trước tiết là phải thuộc lời các bài hát vì mỗi bài hát gắn liền một bài chiêng riêng. Khi đánh chiêng, người nghệ nhân có thể dùng tay, dùng dùi gõ vào mặt chiêng để tạo nên những tiết tấu, âm thanh từ trầm bổng nhẹ nhàng đến rộn ràng sôi động.
Còn ông Đinh Rơi, Bí thư Chi bộ làng Stơ nói cồng chiêng còn là biểu tượng gắn kết cộng đồng của người Ba Na. Tính cộng động thể hiện chỗ mỗi lần tổ chức lễ hội, tiếng cồng chiêng cất lên thì đó luôn là dịp tất cả những người dân trong làng cùng tham gia, quây quần về nhà rông.
Bên cạnh đó, trong một đội cồng chiêng, mỗi người đảm nhận một vai trò riêng, từ đánh chiêng, chỉ huy nhịp điệu, cho đến múa xoang nhưng tất cả đều phải có sự đoàn kết, đồng điệu, phối hợp nhịp nhàng của cả một tập thể.
Để có đội cồng chiêng, những người già trong làng phải dành thời gian để truyền dạy cho các thế hệ trẻ biết cách đánh, biết ý nghĩa từng bài chiêng, từ đó tạo sự liên kết giữa các thế hệ với nhau.
"Từ bao đời nay, qua âm thanh cồng chiêng, người Ba Na chúng tôi đã gắn bó, đoàn kết trong mọi khía cạnh của cuộc sống, giúp kết nối giữa các thế hệ với nhau, tăng thêm tình đoàn kết giữa các làng khác" - ông Đinh Rơi bày tỏ.
Bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng
Tuy nhiên, ông Đinh Rơi cũng bảo rằng hiện nay cồng chiêng đang đối mặt với nhiều thách thức, những thế hệ trẻ thích dùng điện thoại hơn thích chơi cồng chiêng, các bộ chiêng quý đang dần bị mất đi.
Do đó, mỗi người đều có trách nhiệm, nỗ lực trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng. "Những người lớn tuổi như chúng tôi không chỉ động viên, dạy cho con cháu nhưng bài chiêng của dân tộc mà còn tìm cách tìm lại những bộ chiêng quý, ghi lại những bài chiêng truyền thống để lưu giữ cho con cháu sau này" - ông Đinh Rơi nói.
Từ năm 2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy vậy, những năm gần đây, điều kiện môi trường tự nhiên và xã hội; quá trình giao lưu, hội nhập, phát triển kinh tế, văn hóa đã ảnh hưởng đến không gian văn hóa cồng chiêng.
Để bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng, từ năm 2023, UBND tỉnh Gia Lai triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai giai đoạn 2023 - 2025."
Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu rằng đề án sẽ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Ba Na, Jrai ở Gia Lai nói riêng và ở Tây Nguyên nói chung; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra còn khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, từ đó tác động để đồng bào Ba Na, Jrai tự giác tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, làm cho giá trị của văn hóa cồng chiêng được phục hồi, phát triển trong xã hội đương đại, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thông qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh của Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai đến với bạn bè trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Các hoạt động đề án gồm: điều tra, nghiên cứu khoa học về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc về trách nhiệm gìn giữ, phát huy các giá trị độc đáo của di sản.
Bên cạnh đó, bố trí kinh phí để phục dựng một số nghi lễ, lễ hội có sử dụng cồng chiêng của dân tộc Ba Na và Jrai; tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng cho người Ba Na, Jrai...
Đặc biệt, đề án đã xác định hai dự án quan trọng khác phải thực hiện là Khôi phục Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thông qua việc xây dựng các mô hình nhà rông - bến nước ở các địa phương và Xây dựng phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai...
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-tieng-cong-chieng-ngan-vang-mai-voi-dai-ngan-196241109010729513.htm