Để tình yêu sách lan tỏa đến thế hệ trẻ
Dù đã nghỉ hưu, nhiều cựu cán bộ Đoàn vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình lan tỏa văn hóa đọc nhằm khuyến khích người trẻ đọc sách, nâng cao dân trí.
Với hơn 70.000 đầu sách các loại, gần 60 thư viện sách được trao tặng đến 34 tỉnh/thành phía Nam, hơn 10.000 sách tặng cho các đồn biên phòng, cảng biển... trong 5 năm qua, các cựu cán bộ Đoàn đã cho thấy tinh thần sôi nổi và những đóng góp đáng nể trong việc phát triển văn hóa đọc.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai - năm 2023 và hướng đến kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 17/4, Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam tổ chức tọa đàm "Cựu cán bộ Đoàn và thân hữu lan tỏa văn hóa đọc" nhằm trao đổi kinh nghiệm và đề ra ý tưởng tiếp tục phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
TS Lê Hồng Liêm, Trưởng Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam cho biết, trong 5 năm qua Ban Liên lạc bám chắc tôn chỉ mục đích: “Nhớ ơn liệt sĩ, đáp nghĩa đồng bào, chăm lo đồng đội, truyền lửa cho thanh niên”, đồng thời định hình 10 nội dung, chương trình hoạt động chính của Ban Liên lạc. Trong đó, chương trình sách và văn hóa đọc được Ban Liên lạc chú trọng thực hiện trong thời gian qua.
Chương trình “Sách và Văn hóa đọc” của Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam trong 5 năm qua đã được triển khai sôi nổi trên 4 mảng công việc chính, bao gồm: Xuất bản sách và giới thiệu sách; Quyên góp sách từ cựu lãnh đạo Đoàn, cựu cán bộ Đoàn, đơn vị xuất bản in ấn phát hành, các thân hữu; Xây dựng các Thư viện Khuyến học, tặng sách cho các thư viện; Hoạt động tiếp nhận, phân loại, đóng sách và vận chuyển sách đến các nơi nhận sách.
Theo TS Quách Thu Nguyệt, thông qua chương trình "Sách và Văn hóa đọc", các cựu cán bộ Đoàn trước hết phần nào được hâm nóng, trui rèn lý tưởng, nhiệt huyết, tinh thần dấn thân. Bên cạnh đó, họ cũng thể hiện niềm tự hào lý tưởng mà mình đã chọn lựa và nay tiếp tục truyền lửa cho thế hệ tiếp theo qua những câu chuyện kể được in thành sách, qua các buổi giao lưu, giới thiệu sách.
"Đó là những ký ức của một thời thanh xuân mong muốn được gửi gắm đến thế hệ trẻ. Bên cạnh đó là công việc đề cao giá trị của việc đọc sách thông qua các Thư viện Khuyến học. Khuyến đọc cũng là khuyến học, từ đó góp phần phát triển tri thức, nâng cao dân trí và hoàn thiện nhân cách, đạo đức cá nhân", TS Quách Thu Nguyệt - Phó trưởng Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam - cho biết.
TS Lê Hồng Liêm cho rằng sách thì ở đâu cũng cần, tuy nhiên các cựu cán bộ Đoàn không chỉ dừng lại ở việc đem sách đến gần hơn với người dân, mà còn góp phần lan tỏa tinh thần học tập đến với những người trẻ.
Là một trong những người hưởng ứng đầu tiên và tổ chức nhiều Thư viện Khuyến học, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết: "Từ năm 2000 đến nay, số lượng người dân đến đọc sách tại thư viện không được nhiều, nhưng cũng mang tính chất lan tỏa giúp mọi người quan tâm đến việc đọc. Đặc biệt là trong các dịp nghỉ hè, đây là địa điểm để các em học sinh thanh niên đến đọc và học, ít chơi bời hơn", ông nói.
Đại diện Câu lạc Bộ đoàn Thanh niên Ninh Thuận cho biết những cuốn sách được tặng rất có ý nghĩa đối với các xã dân tộc, các vùng căn cứ, xã khó khăn, đặc biệt trường dân tộc nội trú của tỉnh. Việc hình thành các thư viện mở, đáp ứng nhu cầu đọc của các bạn trẻ giúp em có nơi đọc sách, lựa chọn sách hữu ích, phù hợp để đọc, hình thành bước đầu văn hóa đọc.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/de-tinh-yeu-sach-lan-toa-den-nhung-the-he-tre-post1422703.html