Để tội phạm mua bán người không còn 'đất' sống

Mặc dù đã giảm so với nhiều năm trước, nhưng hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới tỉnh Lai Châu vẫn đang diễn ra khá phức tạp. Đối tượng mà tội phạm nhắm tới chủ yếu vẫn là phụ nữ, trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn khó khăn. Do đó, để ngăn chặn hoạt động tội phạm mua bán người, BĐBP Lai Châu đã cùng với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Đức Duẩn

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Đức Duẩn

Tội phạm mua bán người để lại nhiều hệ lụy đau lòng cho nạn nhân, gia đình và xã hội. Nhiều gia đình rơi vào cảnh ly tán, nạn nhân rơi vào cảnh bị đày đọa cả về tinh thần lẫn thể xác. Sau nhiều tháng được trở về đoàn tụ với gia đình, nhưng chị Lùng Thị X, sinh năm 2005, ở bản Sểnh Sảng A, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nạn nhân của tội phạm mua bán người vẫn chưa hết sợ hãi. Chị kể lại những ngày đầy tủi nhục của cuộc đời mình.

Khi mới 16 tuổi, chị mang thai ngoài ý muốn với bạn trai và rất lo lắng, không dám kể với gia đình. Khi được đối tượng Ma A Hồng, ở xã Mù Sang, huyện Phong Thổ tiếp cận hứa sẽ giúp chị lên thành phố Lai Châu tìm việc làm, chị X đã tin và nghe theo. Nhưng sau đó, chị X đã bị đưa sang Trung Quốc bán cho một người đàn ông, lúc biết mình bị lừa bán thì không thể liên lạc được với gia đình.

Dù phải sống trong cảnh sợ hãi, nhưng chị X vẫn luôn tìm cơ hội để được về quê. Một ngày, khi được người đàn ông Trung Quốc đưa đi chơi, chị X đã chạy vào trụ sở công an nước sở tại để cầu cứu và may mắn được giải thoát, sau đó, chị được trở về nước đoàn tụ cùng gia đình. Anh Lùng A Sung (anh trai chị X) chia sẻ: “Mong rằng, đối tượng lừa bán em gái tôi sẽ bị bắt giữ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Qua câu chuyện của em gái tôi, mong rằng các bạn trẻ hiểu thêm về những thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua bán người để biết cách phòng tránh”.

Để ngăn chặn tội phạm mua bán người, thời gian qua, BĐBP Lai Châu đã tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các trường học... để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân và học sinh vùng biên. Các đơn vị thường xuyên tuần tra, kiểm soát biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở. Quan tâm xây dựng các mô hình kinh tế, giúp dân phát triển kinh tế, làm tốt công tác đối thoại với nhân dân.

Cùng với đó, tăng cường trao đổi thông tin với lực lượng chức năng Trung Quốc để nắm những thông tin về vụ án, nạn nhân bị mua bán, làm thủ tục trao trả người về nước. Nhờ đó, nhân dân tin tưởng, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp BĐBP và các lực lượng chức năng triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người. Từ năm 2015 đến nay, BĐBP Lai Châu đã tiếp nhận 20 tin báo tố giác tội phạm mua bán người; trực tiếp phát hiện, xử lý 17 vụ, 18 đối tượng với 38 nạn nhân; giải cứu 5 người và 4 người được trao trả. Từ năm 2016 đến nay, Công an tỉnh Lai Châu đã bắt 38 vụ, hơn 80 nạn nhân bị mua bán.

Quá trình đấu tranh với tội phạm mua bán người cho thấy, nạn nhân thuộc nhóm có nguy cơ cao như thiếu hiểu biết về pháp luật, xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ, cả tin; gặp khó khăn về kinh tế, cần tìm kiếm việc làm...

Nắm được tâm lý đó, đối tượng thông qua mạng xã hội để giao lưu, kết bạn rồi tìm hiểu, giả vờ yêu đương, giúp đỡ, tạo dựng lòng tin và dụ dỗ bằng tiền. Lực lượng BĐBP, Công an tỉnh Lai Châu đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chức năng, các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở cơ sở thông qua các buổi họp dân ở khu dân cư, các buổi sinh hoạt, hội họp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, chú trọng vào địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng thông tin kịp thời cho nhân dân về những hậu quả của tình trạng mua bán người và các vụ án mua bán người bị đưa ra xét xử; vận động bà con đề cao cảnh giác với người lạ, không tin, không nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ. Qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân và răn đe, cảnh tỉnh những người có ý định phạm tội. Các đồn Biên phòng, Công an các xã, thị trấn tăng cường bám nắm địa bàn, nắm bắt thông tin từ cơ sở nhanh, kịp thời, chính xác. Phối hợp xây dựng mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp, giáo dục, cảm hóa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật; phòng ngừa trẻ em bị xâm hại” và “Phòng ngừa tội phạm mua bán người”.

Các hoạt động của mô hình tập trung vào tư vấn, phục hồi tâm lý, trang bị kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho nạn nhân bị xâm hại, nạn nhân bị mua bán. Qua mô hình nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống mua bán người, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, để ngăn chặn, kiềm chế nạn mua bán người, cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm giảm đến mức thấp nhất tội phạm mua bán người, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/de-toi-pham-mua-ban-nguoi-khong-con-dat-song-post449031.html