Đề tốt nghiệp Hóa - Lý - Sinh tăng độ khó, thí sinh khó đạt điểm 8 - 9
Theo nhận định của nhiều giáo viên, đề tốt nghiệp THPT 2023 môn Hóa - Lý - Sinh năm nay khó hơn năm trước, phổ điểm chủ yếu 6 - 7 điểm, ít điểm 9 - 10.
Sáng nay, các thí sinh vừa hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học) trong thời gian 150 phút/3 bài thi theo hình thức trắc nghiệm.
Với môn Hóa học, thầy Phạm Thanh Tùng, giáo viên hệ thống Tuyensinh247.com nhận xét, đề tốt nghiệp THPT môn Hóa học năm nay có mức độ phân hóa tốt với học sinh khá giỏi và trung bình. Đủ để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Đề thi chủ yếu vào chương trình lớp 12 và có một số câu hỏi ở chương trình lớp 11. Đề thi không cho vào chương trình giảm tải.
Số lượng câu hỏi lý thuyết chiếm 75% tương tự mọi năm. Số câu hỏi bài tập chiếm 25%. Đề thi có sự phân hóa rõ rệt ở các câu hỏi cuối (mức độ vận dụng cao). Các chủ đề vận dụng cao không quá mới do đó học sinh cần chuẩn bị một số kĩ năng và phương pháp phân tích và xử lí số liệu.
Nhìn chung, đề thi có cấu trúc tương tự mọi năm. Số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biệt, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao không thay đổi mọi năm và không thay đổi so với đề minh họa.
Về phổ điểm, thầy Tùng dự đoán phổ điểm chủ yếu của đề thi chủ yếu tập trung ở mức độ 6 - 6,5 điểm.
Với môn Vật lý, thầy Phạm Quốc Toản, giáo viên hệ thống Tuyensinh247.com đánh giá, đề thi năm nay không có câu hỏi lạ gây bất ngờ, bám sát cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT đã ban hành, đảm bảo tính phân loại thí sinh.
Đề thi này sẽ dễ thở với thí sinh có mục tiêu tốt nghiệp THPT bởi dễ kiếm điểm 5, tuy nhiên muốn đạt điểm cao dùng để xét tuyển đại học thí sinh sẽ gặp thách thức ở 10 câu cuối. 40 câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó, chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 THPT (90% - 36 câu hỏi) và một phần nhỏ kiến thức lớp 11 (10% - 4 câu).
Tỷ trọng câu các chương vẫn không thay đổi nhiều so với đề thi các năm trước và đề tham khảo. Vẫn tập trung nhiều vào 3 chương đầu của Vật lý 12 (Dao động cơ, Sóng cơ và sóng âm, Dòng điện xoay chiều).
Khoảng 70% cơ bản và 30% mang tính phân loại. Câu hỏi trắc nghiệm định tính (Lý thuyết) chiếm khoảng 40%. Các câu hỏi mang tính phân loại cao vẫn khai thác tư duy Vật lý sâu sắc như: kiến thức liên quan đến thực tiễn, ứng dụng, câu hỏi khai thác đồ thị về dao động cơ và dòng điện xoay chiều, câu hỏi thí nghiệm. Những câu khó mất khá nhiều thời gian để tư duy hiện tượng và giải.
Học sinh cần chú ý hơn ở câu hỏi thông hiểu, đặc biệt là những câu trắc nghiệm định tính. Đôi khi đọc xong có cảm giác rất dễ nhưng có khi bị lừa về mặt bản chất Vật lý. Đến những câu này, thí sinh cần bình tĩnh đọc kĩ câu hỏi, không vội vàng trong việc chốt đáp án cuối cùng.
Thầy Toản dự đoán phổ điểm chủ yếu từ 5 - 7, ít điểm 10.
Trong khi đó, với môn Sinh học, các giáo viên đánh giá đề thi tương đồng với đề minh họa của Bộ GD&ĐT, trong đó 36 câu nằm phạm vi kiến thức lớp 12, còn lại 4 câu kiến thức lớp 11.
Đề có sự thay đổi, tăng số câu phần cơ chế di truyền và biến dị, giảm số câu phần tiến hóa và không đưa vào câu hỏi phần di truyền người. Tỷ lệ lý thuyết/ bài tập: 32 câu lý thuyết (chiếm 80%) và 8 câu bài tập (chiếm 20%), giống với cấu trúc trong đề minh họa.
Nhìn chung, đề phù hợp với mục tiêu thi tốt nghiệp THPT năm 2023, mức điểm dễ đạt được khoảng 6 - 7 điểm, nhưng khó đạt 9 - 10 điểm