Để TP.HCM thực sự 'không ngủ'

Mang đầy đủ đặc điểm của một đô thị hiện đại, TP.HCM có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đêm, theo chuyên gia.

"Vào ban đêm, du khách có xu hướng chi tiêu cao gấp đôi so với ban ngày, đặc biệt là nhóm khách Mỹ, Australia. Khách hàng của chúng tôi bày tỏ mong muốn có được nhiều trải nghiệm hơn, tour khám phá TP.HCM về đêm dài hơn, đặc biệt là các chương trình đi sau 22h", ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc marketing Công ty lữ hành BestPrice Travel, nói với Tri Thức - Znews.

Cuối năm 2023, Thái Lan thí điểm cho phép nhà hàng, quán bar, karaoke tại Bangkok, Phuket, Pattaya, Chiang Mai và Samui mở cửa đến 4h sáng. Trước đó, vào năm 2016, thành phố Shibuya (tỉnh Tokyo, Nhật Bản) bổ nhiệm "đại sứ ban đêm" đầu tiên của mình.

Trong khi đó, tại TP.HCM, khu phố Tây Bùi Viện đang dần "hạ nhiệt"; mô hình du thuyền ngắm cảnh trên sông chỉ mở đến 22h; các điểm tham quan, di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng… đóng cửa vào lúc 17h, 17h30. Tuyến xe buýt 2 tầng đưa khách tham quan đường phố từ 23h đến 7h hôm sau là một điểm sáng, song ngoài ra, du khách sẽ không còn nhiều hoạt động để chi tiêu vào khung giờ từ tối cho đến rạng sáng hôm sau.

Có những gì ở du lịch đêm?

Liên quan đến khái niệm kinh tế đêm (night-time economy - NTE), trong bài luận Night-time economy vitality index: Framework and evidence (tạm dịch: Chỉ số sức sống nền kinh tế đêm: Bộ quy tắc và bằng chứng), PGS.TS Vera Shanshan Lin thuộc Đại học Chiết Giang, Trung Quốc, cho rằng chưa có định nghĩa thống nhất nào về thuật ngữ này.

Tuy nhiên, các hoạt động tiêu dùng và cơ hội kinh tế từ ngành dịch vụ (giải trí, du lịch, mua sắm, thể dục, văn hóa và ăn uống) tạo thành những đặc điểm nổi bật nhất của nền kinh tế đêm.

Theo bà Lin, nhà chức trách cần phân biệt rõ kinh tế buổi tối (the evening economy, từ 17h đến 22h) và kinh tế đêm (night-time economy, sau 22h) nhằm phân bổ, đưa ra chính sách hoạt động phù hợp.

 Phố đi bộ Bùi Viện thường đông khách vào dịp cuối tuần, song dần trở nên cũ kỹ với nhiều du khách, người trẻ. Ảnh: Duy Hiệu.

Phố đi bộ Bùi Viện thường đông khách vào dịp cuối tuần, song dần trở nên cũ kỹ với nhiều du khách, người trẻ. Ảnh: Duy Hiệu.

Tuy nhiên, Chris Beer, làm việc tại Cơ quan Quy hoạch và Đất đai ACT, Canberra, Australia, không chia nhỏ thời gian phát triển kinh tế đêm như vậy. Vị này cho rằng các hoạt động sản xuất và tiêu thụ trong ngành khách sạn và giải trí nên diễn ra từ khoảng 18h đến 6h sáng hôm sau (tức là từ hoàng hôn đến bình minh).

Việc kéo dài thời gian hoạt động về đêm không chỉ giúp nới cơ hội chi tiền của du khách, mà còn giúp tăng cường khả năng cạnh tranh du lịch và sức hấp dẫn của thành phố so với các quốc gia trong khu vực.

Còn tại TP.HCM, Tiến sĩ Vũ Triết Minh, giảng viên bộ môn Du lịch, Khoa tiếng Pháp (Đại học Sư Phạm TP.HCM) nhận định thành phố mang tất cả đặc thù của một đô thị hiện đại, phù hợp với đa dạng mô hình du lịch đêm, đặc biệt là hoạt động lễ hội nhắm tới du khách trẻ tuổi. Song, động lực thúc đẩy du khách chi tiêu chưa nhiều.

Theo Tiến sĩ, tương tự nhiều thành phố khác trên thế giới, hoạt động trải nghiệm về văn hóa, lịch sử, thưởng thức nghệ thuật, tham quan bảo tàng tại TP.HCM có thể tổ chức vào ban đêm.

"Trên thực tế, một số bảo tàng lớn trên thế giới đều mở cửa cho du khách tham quan đến đêm vào mỗi thứ 6 trong tuần. Ví như bảo tàng Louvre (Pháp) mở cửa đến 21h45 vào thứ 6 hay bảo tàng Bristish (Anh) cho phép du khách thưởng thức nghệ thuật đến 20h. TP.HCM cũng có thể áp dụng tương tự", ông Minh cho hay.

Tour đi xe buýt 2 tầng, ngắm TP.HCM từ nửa đêm đến rạng sáng nhận được phản ứng tích cực từ du khách. Ảnh: Linh Huỳnh.

Tour đi xe buýt 2 tầng, ngắm TP.HCM từ nửa đêm đến rạng sáng nhận được phản ứng tích cực từ du khách. Ảnh: Linh Huỳnh.

Bên cạnh việc mở rộng khung hoạt động các tụ điểm vui chơi, vị tiến sĩ cũng khuyến khích thành phố khai thác thêm nhiều loại hình du lịch đặc thù về đêm như trình diễn ánh sáng, drone, thắp sáng các công trình kiến trúc trong thành phố để tạo dấu ấn cho du khách quốc tế.

"Tôi từng ngắm tháp Eiffel (Pháp) hai lần trong một ngày. Ban ngày du khách sẽ thấy công trình này chỉ là một cái tháp sắt, màu đen đứng giữa bầu trời. Quay lại điểm đến đó về đêm khi Eiffel đã được thắp sáng, tôi cảm giác thành phố trở nên rực rỡ hơn, sức sống hơn", ông Minh chia sẻ.

Cần thêm hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing, Công ty lữ hành TSTtourist, TP.HCM sở hữu rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế du lịch đêm.

Theo đó, TP.HCM nổi tiếng là “thành phố không ngủ” vì sự hoạt động xuyên suốt từ sáng đến khuya. Trong đó, các dịch vụ đêm trên sông Sài Gòn cũng là yếu tố hấp dẫn của đô thị này.

Tuy nhiên, thành phố vẫn thiếu điểm giải trí tập trung, điểm tham quan đêm còn hạn chế, sản phẩm du lịch đêm chưa phong phú. Song, quan trọng nhất vẫn là thiếu nguồn khách.

Ông Mẫn đề xuất thành phố nên có chính sách giá điện thắp sáng ưu đãi cho hệ thống các nhà cao tầng tại khu vực trung tâm thành phố; đầu tư hệ thống thắp sáng nghệ thuật cho các công trình kiến trúc như hệ thống cầu, tòa nhà chọc trời..., các khu tượng đài ở khu vực vòng xoay cần được đầu tư nâng cấp nhằm tạo điểm nhấn trong mắt du khách.

Thêm nữa, dịch vụ karaoke cũng cần được khôi phục vì đây là loại hình du lịch ưa thích của nhóm khách Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đặc biệt, chính quyền cần sớm quy hoạch khu giải trí đêm tập trung với quy mô lớn, để đảm bảo cuộc vui trọn vẹn cho du khách vẫn không ảnh hưởng cộng đồng.

 Theo chuyên gia, thành phố nên nới thời gian hoạt động của phương tiện công cộng, phục vụ nhóm khách chơi đêm. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo chuyên gia, thành phố nên nới thời gian hoạt động của phương tiện công cộng, phục vụ nhóm khách chơi đêm. Ảnh: Duy Hiệu.

Đáng lưu ý, ngoài nhóm khách inbound (khách quốc tế đến Việt Nam du lịch), Gen Z là nhóm khách tại chỗ mà thị trường tại TP.HCM cần khai thác.

"Thế hệ trẻ xem đêm là ngày, họ dành nhiều thời gian ban đêm để làm việc và giải trí", ông Mẫn nói.

Về góc nhìn của Tiến sĩ Vũ Triết Minh, TP.HCM cần kéo dài thời gian hoạt động của loại hình phương tiện di chuyển công cộng, đảm bảo xe buýt vẫn còn chạy khi du khách kết thúc hoạt động vui chơi khuya, quay về nơi lưu trú.

Hiện tại, các tuyến xe buýt khai thác tại TP.HCM có khung giờ khởi hành riêng. Song, nhìn chung, các chuyến kết thúc khá sớm, chuyến cuối cùng xuất bến trễ nhất là 20h, theo thông tin từ trang web Sở Giao thông Vận tải TP.HCM. Từ 20h-0h, du khách buộc phải đi taxi hoặc xe ôm công nghệ.

"Trên thế giới, đặc biệt một số nước châu Âu, chuyến cuối cùng trong ngày của họ là 0h. Sau khung giờ này, họ triển khai xe buýt đêm. Loại hình này chỉ chạy trong các trục đường chính trong thành phố, khoảng một giờ sẽ có một chuyến. Như vậy, tệp khách vui chơi về khuya vẫn có phương tiện công cộng để di chuyển", ông Minh giải thích.

Tương tự một số quốc gia châu Âu, phần lớn xe buýt tại Thái Lan cũng hoạt động đến 23h. Xứ sở chùa Vàng còn khai thác loại hình xe buýt đêm tại một số tuyến đường huyết mạch thành phố và có xe bus chạy 24/24h, phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh khi du khách chơi về đêm cũng cần được thắt chặt. Chính quyền thành phố cần bố trí lực lượng an ninh, bảo vệ sự an toàn của khách ở những nơi vắng vẻ, theo Tiến sĩ Minh.

Tường Vi

Nguồn Znews: https://znews.vn/de-tphcm-thuc-su-khong-ngu-post1464057.html