Để 'trái tim' của hệ thống giáo dục luôn khỏe mạnh

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1. Sau một thời gian triển khai, chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới, đặc biệt với môn Tiếng Việt, đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Để tăng thêm kênh góp ý, phản biện về chương trình SGK lớp 1 mới, Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo.

Phóng viên (PV): Xung quanh ý kiến dư luận phản ánh về một số bất cập trong nội dung chương trình SGK lớp 1 mới, ông có thể cho biết quan điểm của mình?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Tôi cũng cho rằng SGK môn Tiếng Việt lớp 1 mới vẫn còn có một số “hạt sạn”. Trong bộ sách Cánh Diều, có những bài học phỏng theo truyện của nước ngoài, trong đó có những truyện chưa phù hợp với văn hóa của người Việt-vốn có những điểm rất riêng, tiềm tàng trong kho tàng văn hóa dân gian. Thực ra, phỏng theo truyện nước ngoài cũng được, nhưng cần chú ý đến tính giáo dục, ngôn từ phải giản dị, việc dạy ghép âm phải đưa ra ví dụ có ý nghĩa nào đó trong việc hình thành năng lực của trẻ.

 TS Hoàng Ngọc Vinh.

TS Hoàng Ngọc Vinh.

Ngoài yếu tố văn hóa, tôi cho rằng một số bài cũng không phù hợp tâm lý lứa tuổi. Thực tế cuộc sống có thể đang có những chuyện này chuyện khác nhưng giáo dục thì cần hướng tới những điều tốt đẹp, hướng thiện. Có thể trên con đường trưởng thành sau này, các em sẽ phải nhận diện những cái xấu bên cạnh những điều tốt đẹp. Nhưng đó là sau này khi đã lớn. Lúc nhỏ, nhận thức còn hạn chế thì không nên để những thói xấu thâm nhập vào đầu con trẻ.

PV: Để xảy ra phản ánh về những bất hợp lý của chương trình SGK lớp 1, theo ông nguyên nhân do đâu?

TS Hoàng Ngọc Vinh: SGK được ví như trái tim của hệ thống giáo dục. Khi đã làm SGK thì cần có 3 loại đánh giá là đánh giá tiền sử dụng để dự báo về tiềm năng, giá trị của sách; đánh giá trong quá trình sử dụng nhằm đánh giá khả năng nhận thức của học sinh qua SGK và đánh giá hậu sử dụng nhằm xác định SGK có đáp ứng được mục tiêu của giáo dục sau thời gian sử dụng. Hiện nay, khi đã triển khai một phần chương trình, chúng ta cần một hội đồng độc lập đánh giá trở lại về các bộ sách. Quá trình thành lập hội đồng cũng cần dân chủ để chọn ra những người tài năng, đức độ, phẩm chất tốt. Những người thẩm định phải là những chuyên gia sâu, có trải nghiệm thực tế dạy học ở cấp học đó, công tâm, liêm chính, thẳng thắn, trách nhiệm vì sự nghiệp giáo dục.

Quá trình bồi dưỡng giáo viên cũng cần được tổ chức phù hợp. Một buổi bồi dưỡng cả trăm giáo viên thì sẽ không hiệu quả bằng những lớp bồi dưỡng nhỏ, để học viên có điều kiện hình thành kỹ năng sau khóa tập huấn. Một số địa phương đã làm được điều này. Tuy nhiên, cần có sự thực hiện từ bộ đến tất cả các địa phương, các trường. Với công nghệ hiện nay, chúng ta có thể tổ chức những lớp bồi dưỡng trên mạng, hoặc qua các bài giảng mẫu để giáo viên tất cả các nơi đều có thể tiếp cận được.

PV: Có ý kiến cho rằng, chưa thể đánh giá tổng thể về chương trình khi năm học mới bắt đầu. Điều này có đúng không, thưa ông?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Tôi không đồng ý phải chờ đến hết năm để đánh giá chương trình. Mỗi bài học đều có mục đích. Xác định rõ mục đích để đưa ra yêu cầu với học sinh làm được gì sau mỗi tiết dạy, giáo viên mới có thể sắp xếp, điều chỉnh tiến độ, phương pháp dạy... Chuẩn đầu ra cuối năm lớp 1 là tổng các mục đích bài học mà học sinh đã đạt được.

Quan điểm về việc làm sách cần rõ ràng, bài nào sai có thể bỏ. Chương trình GDPT mới được xây dựng theo hướng mở, phát huy tính tự chủ, linh hoạt của giáo viên. Thế nên, không học bài này, giáo viên được quyền chủ động sử dụng bài khác. Khó ai tránh được hết sai sót. Nhưng làm SGK là làm cho quốc dân đồng bào nên cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và trách nhiệm của các bên liên quan. Bây giờ là lớp 1, nhưng chúng ta còn chương trình từ lớp 2 đến lớp 12. Đây mới là vấn đề lớn. Hiện nay, tuy rằng hơi chậm, nhưng chúng ta vẫn xử lý được.

PV: Trong chương trình SGK lớp 1, theo ông yếu tố nào là quan trọng? Có nên chọn nhiều bộ SGK để dạy học sinh và điều này có làm chương trình học càng nặng hơn không, thưa ông?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Trước hết phải xem lại chuẩn đầu ra lớp 1 là gì, các cháu cần biết bao nhiêu từ, những âm nào. Từ là công cụ truyền tải tri thức và kinh nghiệm cuộc sống. Nhân cách cũng hình thành dần ở đó. Việc hình thành nhân cách, sự ham thích học hay không về sau này là bắt đầu từ lớp 1. Thầy cô giáo phải được chuẩn bị kỹ càng và chuyên nghiệp. Trong cuộc đời làm giáo viên tiểu học, một giáo viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến khả năng học tập của hơn 1.000 cuộc đời của trẻ sau này. Thầy cô dạy lớp 1 có vai trò rất quan trọng là ở chỗ đó.

Sách tốt cho trẻ hoàn thiện theo một chuẩn đầu ra, học thoải mái, nói được, diễn đạt được, biết tính toán cộng trừ trong vòng 100, biết những kỹ năng phục vụ bản thân, các cháu vừa học vừa gắn với xung quanh. Phụ huynh không nên lo lắng quá với việc giáo viên có thể dùng nhiều sách khác nhau của các trường. Điều này nhà trường và giáo viên hoàn toàn được chủ động. Cô giáo thấy bài hay ở SGK nào đó thì dạy cho học sinh, đây cũng là cách làm hay. Học như vậy, thầy cô giáo sẽ chọn được những nguồn tốt nhất dạy cho học sinh, để đạt được mục đích giảng dạy của mình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), Thành viên Hội đồng Thẩm định quốc gia Chương trình tổng thể-Chương trình GDPT mới:

Mong phụ huynh lắng tâm

Ban đầu, khi nghe một số ý kiến phản ánh về nội dung chương trình SGK Tiếng Việt lớp 1 mới, nhất là bộ sách Cánh Diều, tôi rất ngạc nhiên. Sau khi tìm hiểu, tôi hiểu được phản ứng của người dân. Nhưng đây là cái lý của người lớn, còn trẻ sẽ có cách hiểu và tiếp thu kiểu khác. Xưa nay, chúng ta vẫn quen học theo SGK cũ, chương trình cũ, phong cách cũ. Còn trong chương trình mới thể hiện quan điểm giáo dục khác, các em được giáo dục tinh thần sáng tạo, suy nghĩ mở chứ không nặng về lý thuyết, thầy dạy gì, trò nghe nấy như chương trình cũ. Để triển khai chương trình thành công, phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của các nhà trường, của giáo viên.

 Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Hoài Nguyễn.

Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Hoài Nguyễn.

Trước ý kiến của người dân, cách đây ít ngày, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các tác giả, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia rà soát, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện để chất lượng SGK ngày càng tốt hơn. Tôi đánh giá cao sự cầu thị của lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Tôi cho rằng, mọi điều phụ huynh phản ánh, Bộ GD-ĐT, các tác giả viết sách đều phải lắng nghe để hoàn thiện. Nhưng tôi cũng mong các bậc phụ huynh hãy lắng tâm, nghiên cứu sâu hơn những điều sâu sắc về chuyên môn, tâm lý học trong SGK để tiếp tục đồng hành cùng ngành giáo dục.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A2, Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, TP Hà Nội):

Giáo viên phải linh hoạt điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy học

Xung quanh những tranh cãi về nội dung trong SGK lớp 1, là người trong cuộc tôi cho rằng, so với chương trình cũ, nội dung chương trình mới có phần nặng hơn. Với thời lượng một tiết học 35 phút, giáo viên cần bao quát tất cả các đối tượng học sinh nên rất vất vả. Nội dung chương trình nặng hay nhẹ, thực tế trong quá trình dạy, chúng tôi có thể điều chỉnh. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy một số tình huống trong SGK hơi khó hiểu đối với học sinh. Tuy nhiên, chương trình GDPT mới được xây dựng theo hướng mở, trong quá trình dạy học, chương trình cho phép giáo viên được linh hoạt điều chỉnh nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học. Vậy nên, với những tình huống khó, giáo viên sẽ phải giải thích về mặt ngữ nghĩa cho học sinh hiểu nội dung. Tùy theo từng bài giảng, giáo viên có thể sáng tạo cho học sinh xem tranh, từ tranh dẫn dắt học sinh tới nội dung bài học...

Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, tôi rất ủng hộ việc đổi mới chương trình. Chương trình mới là đòn bẩy quan trọng để giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong cách dạy. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần có sự chuẩn bị từ bậc mầm non, không phải để cho giáo viên đỡ vất vả, mà quan trọng hơn cả là học sinh khi bước vào lớp 1 không bỡ ngỡ và phụ huynh cũng có thời gian tiếp cận với chương trình SGK mới, từ đó nắm bắt được tinh thần của SGK.

Chị Chu Phương Linh có con là học sinh lớp 1A2 Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông, TP Hà Nội):

Bố mẹ phải đồng hành cùng con

Tôi thấy chương trình SGK mới hơi nặng. Ngay từ những tuần đầu vào năm học, con còn chưa nhớ được mặt chữ mà đã phải tập ghép chữ và viết chữ thành câu. Bây giờ tối nào tôi cũng phải cố gắng học, đồng thời kèm con học. Chương trình mới yêu cầu học sinh phải nắm kiến thức nhanh hơn nên tôi cho rằng, cần có sự chuẩn bị tốt hơn cho cả phụ huynh và con em mình để bớt khó khăn trong việc học tập. Bố mẹ phải đồng hành thì con mới học tốt.

HUY AN - NGUYỄN HOÀI (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/de-trai-tim-cua-he-thong-giao-duc-luon-khoe-manh-640752