Nhiều kỳ vọng với dự thảo Luật Nhà giáo

Sáng 10/7, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực họp phiên chuyên đề tham vấn ý kiến đối với một số nội dung trong dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn - Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Tại phiên họp, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức đã báo cáo về tiến độ triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo, cấu trúc dự thảo luật và các nội dung chính sách dự kiến trong dự thảo Luật, tổng hợp góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo đến thời điểm hiện tại và các nội dung xin ý kiến.

TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT tham luận tại phiên họp

TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT tham luận tại phiên họp

Tham luận về một số vấn đề đặt ra với quản lý nhà nước về nhà giáo, TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng trên thực tế chưa có đầu mối thống nhất chịu trách nhiệm chuyên môn quản lý nhà nước với nhà giáo, có sự chồng chéo chức năng giữa ngành Giáo dục và ngành Nội vụ, dẫn đến tình trạng có học sinh mà không có giáo viên.

Kiến nghị đối với việc xây dựng Luật Nhà giáo, TS Nguyễn Vinh Hiển cũng đề nghị, cần quy định rõ việc phân công, phân cấp quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương, bảo đảm các cơ quan của ngành Giáo dục được chịu trách nhiệm chính, chủ động tham mưu với các cấp toàn bộ các khâu về quản lý nhà giáo đồng bộ từ quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng…

Về vấn dề quy định giấy phép hành nghề nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định, có giấy phép hành nghề sẽ dễ dàng đưa các quy định về chuẩn nhà giáo vào cuộc sống, khắc phục việc lạm dụng danh nghĩa nhà giáo, tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế về nhà giáo.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao đổi tại phiên họp.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao đổi tại phiên họp.

Cũng từ quan điểm ủng hộ quy định giấy phép hành nghề trong dự thảo Luật Nhà giáo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu đánh giá tác động qua lại nhiều chiều, mở rộng xin ý kiến nhiều đối tượng, nhất là đội ngũ nhà giáo với nội dung này, rà soát các điều khoản trong dự thảo Luật để tương thích…

TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học PHENIKAA

TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học PHENIKAA

Còn TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học PHENIKAA thì đề xuất nên nghiên cứu để tăng cường ứng dụng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong cấp giấy phép hành nghề, như vậy sẽ giải quyết được băn khoăn có thể xảy ra tiêu cực khi thực hiện.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho biết, trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã nhận được ý kiến, góp ý của 63 Sở GD-ĐT các địa phương, các bộ ngành liên quan. Đến nay, cơ bản 9 nội dung trong dự thảo luật đã được ban soạn thảo thống nhất, tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện; 800.000 nhà giáo đã có ý kiến, đồng tình với cấu trúc luật.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp.

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định sự cần thiết có giấy phép hành nghề dạy học và cho rằng, Luật Nhà giáo đặt ra yêu cầu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới quản lý với lực lượng này.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Nhà Giáo sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 cuối năm nay.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/nhieu-ky-vong-voi-du-thao-luat-nha-giao-439889.html