Để trẻ chịu trách nhiệm cho việc mình làm

Thay vì vội vàng phủ nhận nhận thức của trẻ bằng câu nói 'biết gì đâu', có lẽ người lớn nên dành thời gian để giải thích cho trẻ, giúp trẻ nhận ra đâu là đúng, đâu là sai và cần chịu trách nhiệm cho những việc mình đã làm.

Vẫn như mọi khi, quán cà phê quen thuộc là điểm hẹn cuối tuần của tôi và hội bạn. Khi câu chuyện của chúng tôi đang rôm rả thì bất ngờ, hai đứa trẻ từ bàn kế bên chạy đuổi nhau làm chiếc ly trên bàn của bạn tôi rơi loảng xoảng, nước vung vãi.

Bạn tôi khựng lại, vẻ mặt biểu lộ sự không đồng tình. Bạn tôi chưa kịp nói gì thì người mẹ của hai đứa trẻ đã đứng lên rất nhanh: “Ôi! Trẻ con nó có biết gì đâu mà! Cháu nó còn bé tí. Người lớn ta xí xóa cho nhau nhé!”. Câu nói ấy vang lên giữa không gian ồn ào, thu hút sự chú ý của một số người xung quanh.

 Câu nói “cháu còn nhỏ, biết gì đâu” có thực sự là tấm lá chắn tin cậy cho mọi hành động? (Ảnh minh họa).

Câu nói “cháu còn nhỏ, biết gì đâu” có thực sự là tấm lá chắn tin cậy cho mọi hành động? (Ảnh minh họa).

Một thoáng im lặng bao trùm. Bạn tôi chỉ khẽ gật đầu rồi lấy khăn giấy lau vội bàn và cánh áo, không nói gì thêm. Tôi nhìn sang hai đứa trẻ vẫn đang tíu tít đùa nghịch, chẳng mảy may để ý đến sự cố vừa xảy ra.

Câu nói “cháu còn nhỏ, biết gì đâu” thật quen thuộc. Ở đâu đó, chúng ta thường bắt gặp phụ huynh sử dụng kiểu nói ấy để xoa dịu cho trẻ trong những tình huống mắc sai lầm. Nhưng, liệu lý do “còn nhỏ” có thực sự là tấm lá chắn tin cậy cho mọi hành động? Trong nhóm bạn tôi, một người lên tiếng: “Nhiều khi, người lớn quá dễ dãi với con trẻ. Đúng là các bé chưa ý thức đầy đủ mọi việc, nhưng điều đó không đồng nghĩa là làm ngơ trước những hành động sai”.

Một bạn khác tiếp lời: “Quan trọng là cách chúng ta dạy dỗ con. Thay vì chỉ nói “cháu còn nhỏ, biết gì đâu”, có lẽ chúng ta nên nhẹ nhàng giải thích cho trẻ hiểu hành động đã gây ra phiền toái cho người khác. Dù còn nhỏ, nhưng trẻ hoàn toàn học được những bài học về sự tôn trọng và trách nhiệm”.

 Người lớn nên dành thời gian để giải thích cho trẻ, giúp trẻ nhận ra đâu là đúng, đâu là sai và cần chịu trách nhiệm cho những việc mình đã làm. (Ảnh minh họa từ Internet).

Người lớn nên dành thời gian để giải thích cho trẻ, giúp trẻ nhận ra đâu là đúng, đâu là sai và cần chịu trách nhiệm cho những việc mình đã làm. (Ảnh minh họa từ Internet).

Thực tế cho thấy, trẻ em có khả năng học hỏi và nhận thức rất đáng kinh ngạc. Các em có thể quan sát, lắng nghe và ghi nhớ mọi thứ xung quanh. Việc trẻ gây ra lỗi lầm đôi khi không phải vì “không biết” mà có thể là do thiếu sự hướng dẫn, giải thích rõ ràng từ người lớn. Tệ hơn, đôi khi đó là sự bắt chước những hành vi mà trẻ đã từng chứng kiến.

Vậy nên, thay vì vội vàng phủ nhận nhận thức của trẻ bằng câu nói “biết gì đâu”, có lẽ người lớn nên dành thời gian để giải thích cho trẻ, giúp trẻ nhận ra đâu là đúng, đâu là sai và cần chịu trách nhiệm cho những việc mình đã làm.

Một lời xin lỗi chân thành từ trẻ, dù còn ngọng nghịu, vẫn đáng quý hơn vạn lời biện hộ vô trách nhiệm. Một sự hướng dẫn tận tình từ người lớn giúp trẻ học hỏi và trưởng thành sẽ hơn một cái xoa đầu hời hợt. “Cháu còn bé, biết gì đâu” có thể xuất phát từ sự yêu thương và bao dung của người lớn. Nhưng, nếu câu nói này được sử dụng một cách tùy tiện thì có thể trở thành một rào cản vô hình, ngăn cản sự phát triển ý thức trách nhiệm và khả năng tự nhận thức của trẻ.

Thay vì thiếu tin tưởng vào nhận thức của trẻ, người lớn nên trao cho các em cơ hội để học hỏi và lớn lên từ những sai lầm, dù là nhỏ nhất. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng và tình yêu thương thiết thực với con trẻ.

Thiên Bình

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/de-tre-chiu-trach-nhiem-cho-viec-minh-lam-post287948.html