Cảnh báo nguy cơ dậy thì sớm từ việc sử dụng kháng sinh
Những bé gái được dùng thuốc kháng sinh trong vòng 12 tháng đầu đời có nguy cơ dậy thì sớm hơn bình thường. Đây là kết quả một nghiên cứu mới được các nhà khoa học Hàn Quốc công bố.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về lượng kháng sinh tiêu thụ của 322.731 trẻ sơ sinh và trẻ dưới 12 tháng tuổi ở Hàn Quốc, đồng thời theo dõi đến khi các bé gái được 9 tuổi và các bé trai được 10 tuổi. Kết quả cho thấy những bé gái được kê đơn thuốc kháng sinh trước 3 tháng tuổi có khả năng dậy thì sớm cao hơn 33%, thậm chí tăng lên tới 40% nếu bệnh nhi được cho uống kháng sinh trong vòng 14 ngày đầu đời. Ngoài ra, những bé gái dùng từ 5 loại thuốc kháng sinh trở lên có nguy cơ dậy thì sớm cao hơn 22% so với những bé gái sử dụng 2 loại thuốc hoặc ít hơn. Điều này cho thấy trẻ tiếp xúc với kháng sinh càng sớm và càng nhiều thì nguy cơ dậy thì sớm càng cao.
Tuy nhiên, ở những bé trai, nhóm nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào giữa thuốc kháng sinh và dậy thì sớm.
Phát biểu với cộng đồng học thuật, Giáo sư Choi Yoon Soo cho biết các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ giúp giảm nguy cơ dậy thì sớm. Điều này ủng hộ giả thuyết cho rằng các yếu tố ban đầu có ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường ruột hoặc chuyển hóa nội tiết có thể đẩy sớm giai đoạn dậy thì ở trẻ.
Nghiên cứu mới một lần nữa ủng hộ giả thuyết đó nên các bác sĩ và phụ huynh cần cân nhắc cẩn thận đến những tác động lâu dài của thuốc kháng sinh mỗi khi đưa ra y lệnh cho bệnh nhi nhỏ tuổi.
Dậy thì sớm, còn được gọi là dậy thì sớm thực sự (CPP), đề cập đến việc các bé gái bắt đầu dậy thì trước 8 tuổi, bé trai trước 9 tuổi. Hiện tượng này thường xảy ra ở bé gái nhiều hơn và nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết rõ.
Nghiên cứu được công bố tại hội nghị khoa học chung của Hiệp hội Nội tiết Nhi khoa châu Âu (ESPE) và Hiệp hội Nội tiết châu Âu (ESE), diễn ra tại Copenhagen, Đan Mạch, hôm 10/5.