Triệu chứng của hạ huyết áp và cách xử trí

Hạ huyết áp hay còn gọi là tụt huyết áp, huyết áp thấp là tình trạng giảm huyết áp toàn thân xuống giá trị thấp hơn 90/60 mmHg, xảy ra sau khi ăn, khi đứng lên, do sốc, căng thẳng hoặc một số tình trạng sức khỏe khác.

Hạ huyết áp thường không cần điều trị nếu không gây ra triệu chứng, nhưng hạ huyết áp có triệu chứng thì cần được điều trị, vì nó nguy hiểm không kém so với tăng huyết áp.

Có nhiều nguyên nhân gây hạ huyết áp, trong đó có thể là do thay đổi tư thế đột ngột như khi đứng lên quá nhanh từ tư thế ngồi hay sau khi nằm quá lâu và cơ thể bạn không thể bù đắp lượng máu đến não.

Hạ huyết áp sau ăn xảy ra sau khi ăn từ 1 đến 2 giờ. Bổ sung nước không đầy đủ; Thiếu dinh dưỡng; Ăn quá nhạt, thiếu muối hay căng thẳng (stress)...gây hạ huyết áp.

Ngoài ra, một số bệnh lý ( tim mạch, rối loạn nội tiết...), mang thai; Dùng thuốc điều trị bệnh hay mất máu do vết thương, sốc phản vệ, sốc do nhiễm trùng… cũng gây hạ huyết áp.

Triệu chứng của hạ huyết áp

Hạ huyết áp có thể gây ra các triệu chứng như:

Cảm giác choáng váng, lâng lâng, chóng mặt, xây xẩm mặt mày.
Lú lẫn.
Hoa mắt.
Đau đầu.
Ngất xỉu hoặc suýt ngất.
Cảm thấy mệt mỏi, yếu sức, chân tay bủn rủn.
Da xanh xao, nhợt nhạt.
Tay chân lạnh, nhức mỏi tê bì.
Tim đập nhanh, đánh trống ngực.
Buồn nôn, nôn mửa.

Có nhiều nguyên nhân gây hạ huyết áp trong đó có thể là do thay đổi tư thế đột ngột.

Có nhiều nguyên nhân gây hạ huyết áp trong đó có thể là do thay đổi tư thế đột ngột.

Hầu hết các trường hợp hạ huyết áp không gây ra ảnh hưởng gì, không có triệu chứng thì không nguy hiểm, được xem là tương đối lành tính.

Nhưng hạ huyết áp gây ra triệu chứng có thể nguy hiểm vì các biến chứng:

Ngã và chấn thương do ngã: Xảy ra do hạ huyết áp gây chóng mặt và ngất xỉu. Ngã có thể gây gãy xương, chấn thương nội tạng cho đến đe dọa tính mạng.
Sốc: Tụt huyết áp làm các cơ quan thiếu lượng máu cần thiết để hoạt động, gây tổn thương nội tạng hoặc sốc.
Các vấn đề tim mạch hoặc đột quỵ: Tụt huyết áp khiến tim cố gắng hoạt động để bù đắp lượng máu cho cơ thể. Theo thời gian có thể dẫn đến suy giảm chức năng tim và suy tim. Hạ huyết áp cũng có thể gây ra các vấn đề như huyết khối tĩnh mạch sâu và đột quỵ.

Cách xử trí khi bị hạ huyết áp

Nếu bị hạ huyết áp mà không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ thì người bệnh nên:

Uống 1 cốc trà gừng, nước sâm, cà phê, thức ăn đậm muối... hoặc uống nhiều nước lọc; Ăn một chút chocolate sẽ giúp bảo vệ thành mạch máu.

Ngồi nghỉ, nếu được thì nên nằm nghỉ, dùng gối kê đầu và chân, nên kê chân cao hơn so với đầu.

Uống thuốc theo đơn bác sĩ (nếu có) khi tình trạng được cải thiện, người bệnh ngồi dậy từ từ, lưu ý cử động tay chân trước khi ngồi dậy.

Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, người bệnh cần gặp bác sĩ thăm khám để tìm ra nguyên nhân. Trong nhiều trường hợp thì hạ huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Khi bị hạ huyết áp với các dấu hiệu chóng mặt, nôn ói, mất tập trung, đổ mồ hôi...thì người bệnh cần ngồi xuống hoặc nằm nghỉ. Nếu kèm theo dấu hiệu nguy hiểm như khó thở, môi tím tái thì nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Hạ huyết áp có thể dẫn đến sốc gồm các triệu chứng như tím tái toàn thân, tim đập nhanh, mạch yếu, lạnh người. Không được chần chừ, cần gọi cấp cứu đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để được bác sĩ theo dõi và điều trị.

Lưu ý cho người bị hạ huyết áp

Một số điều người bị huyết áp thấp cần lưu ý để phòng ngừa bệnh bằng cách:

Uống nhiều nước.

Thêm muối trong bữa ăn hàng ngày, lượng muối thêm vào cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Bổ sung thực phẩm chứa đạm, vitamin nhóm B.
Hạn chế uống rượu bia.
Hạn chế thực phẩm giàu carbohydrate.

Ngoài ra, cần tập thể dục thường xuyên và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra huyết áp bằng máy đo huyết áp tại nhà.

BS Ngô Hồng Hạnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trieu-chung-cua-ha-huyet-ap-va-cach-xu-tri-169250517204258719.htm