Để trở thành 'quán quân' xây dựng nông thôn mới (kỳ 1)
Đến tháng 7-2019, Nam Định đã về đích nông thôn mới, với 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, kinh tế nông nghiệp, nông thôn Nam Định có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Đến tháng 7-2019, Nam Định đã về đích nông thôn mới, với 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Vậy đâu là "chìa khóa" để Nam Định trở thành "quán quân" xây dựng nông thôn mới?
Kỳ 1: Chọn khâu đột phá, cách làm sáng tạo
Trong những lần về thăm và làm việc tại Nam Định (năm 2012 và 2017), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả huyện Hải Hậu nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo của cấp ủy và chính quyền cơ sở trong việc vận dụng các tiêu chí của Trung ương vào thực tế của địa phương; chọn khâu đột phát trong công tác dồn điền đổi thửa; xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cách làm sáng tạo của huyện Hải Hậu và tỉnh Nam Định cần nghiên cứu, nhân rộng trong xây dựng nông thôn mới, là “Lấy xóm, cụm dân cư, hộ gia đình làm hạt nhân và nòng cốt để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có sự phân định rõ trách nhiệm của từng cấp là: Xã lo đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng các đường trục xã, liên xã, đường giao thông nội đồng, trường học, trạm xá và công trình phúc lợi khác. Xóm lo huy động nguồn đóng góp của nhân dân để làm đường trục xóm, hệ thống rãnh thoát nước trong khu dân cư. Cụm dân cư lo làm đường dong ở khu dân cư. Hộ gia đình lo chỉnh trang các công trình vệ sinh, nước sạch, khuôn viên nhà ở, sân, ngõ, ao, vườn và có thêm một nghề”.
"Cú hích" từ dồn điền đổi thửa
Xã biển Hải Triều (Hải Hậu) trước đây vốn là “vùng sâu, vùng xa” không có đất trồng lúa, nghề chính của người dân là làm muối và đánh bắt cá. Hơn 10 năm về trước, do tác động từ sự biến đổi khí hậu, nhất là thực trạng biển xâm thực, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Ấy vậy mà hôm nay, những xóm chài trước đây đang vươn mình khởi sắc với những ngôi nhà cao tầng khang trang, tạo điểm nhấn về một bức tranh quê biển văn minh.
Đồng chí Đỗ Quốc Vương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định kinh tế biển là một mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương, Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất theo hướng chuyển dần diện tích làm muối kém hiệu quả sang trồng rau màu và nuôi thủy sản để nâng cao thu nhập cho người dân; quy hoạch gọn vùng các thùng đào, thùng đấu và chuyển đổi một số diện tích sản xuất muối kém hiệu quả để phát triển thành vùng nuôi thủy sản tập trung theo hướng thâm canh, bán thâm canh. Đến nay, xã Hải Triều đã chuyển đổi trên 60ha đất sản xuất muối kém hiệu quả ở các xóm Tây Bình, Xuân Hương, Tân Thịnh, Tây Tiến và Hưng Bình sang nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua rèm, cá song, cá vược… Nhờ đó, năng suất nuôi thủy sản ở vùng tập trung của xã thường đạt từ 1,5 đến 10 tấn/ha, giá trị thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng, lãi từ 300-900 triệu đồng/ha/vụ; bình quân mỗi năm các hộ nuôi thủy sản của xã sản xuất 2 vụ. Ông Hoàng Đức Thiện, xóm Tây Bình cho biết, sau khi xã quy hoạch vùng nuôi thủy sản, ông đấu thầu 15ha, phân thành 50 ao nuôi với diện tích từ 1.000-2.000 m2/ao. Với mật độ nuôi thả từ 150-250 con/m2, mỗi năm trang trại của ông nuôi 2 vụ tôm (vụ tôm xuân hè từ tháng 2 đến tháng 6; vụ đông từ tháng 8 đến tháng 12). Năm 2018, trang trại nuôi thủy sản của ông đã xuất bán được trên 100 tấn tôm, doanh thu đạt khoảng 20 tỷ đồng.
Đến Hải Hậu hôm nay, sẽ dễ dàng cảm nhận rõ sự khởi sắc của bộ mặt nông thôn ở các vùng quê trong huyện. Đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, khu trồng cây dược liệu, vùng nuôi tôm, hay trồng lúa chất lượng cao,... được quy hoạch đồng bộ, thuận tiện cho việc tổ chức sản xuất và đi lại. Là vùng lúa nổi tiếng, nhưng giờ đây Hải Hậu có nhiều loại cây trồng, vật nuôi mang lại thu nhập cao cho bà con.
Bí thư Đảng ủy xã Hải Đông Phạm Văn Hiên chia sẻ: Là một trong ba xã của huyện có điều kiện thích hợp với nuôi tôm, xã đã quy hoạch 8 vùng sản xuất, như: vùng lúa chất lượng cao, trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản,... Từ đó, bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác. Khai thác lợi thế ven biển, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản nước ngọt với diện tích 150ha, thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm; hoặc trồng cây dược liệu trên diện tích 10ha, thu nhập 350 đến 400 triệu đồng/ha/năm, đến nay Hải Đông đã chuyển sang nuôi tôm công nghiệp 36ha, mỗi năm doanh thu hơn 36 tỷ đồng; có 22ha ngoài đê nuôi vạng giống, mỗi năm doanh thu 22 tỷ đồng. Đưa chúng tôi đi tham quan cơ sở nuôi tôm của gia đình, anh Nguyễn Văn Cường ở xóm Hợp Thành cho biết, anh nuôi tôm hơn chục năm, nhưng gần đây mới “ăn nên, làm ra”. Anh đã trúng thầu 1,2ha đất làm muối năng suất thấp để cải tạo thành các ao, đầm với mức hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha. Anh xây dựng thêm 32 bể nuôi tôm theo hướng công nghiệp, mỗi bể diện tích 25m2, sau 3 tháng nuôi có thể đạt 130kg tôm. Để tránh dịch bệnh, nước biển được bơm trực tiếp vào bể, ao, đầm mà không qua hệ thống kênh mương. Với tổng vốn đầu tư gần 5,6 tỷ đồng, mỗi năm anh Cường thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã Hải Đông huy động sức dân và các nguồn vốn khác, làm đường giao thông nông thôn, đèn chiếu sáng, trung tâm hành chính “một cửa”, thủy lợi nội đồng, lò đốt rác thải... Cả 9 xóm đều có nhà văn hóa và khu thể thao liên xóm,... Năm 2014, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hiện đang nâng cao chất lượng các tiêu chí để hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ năm 2009, huyện Hải Hậu được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn làm huyện điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thời kỳ đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề chậm phát triển; lực lượng lao động nông thôn thiếu việc làm, thu nhập thấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn khó khăn. Một số xã có xuất phát điểm thấp, năm 2010 bình quân các xã trong toàn huyện mới đạt 7/19 tiêu chí, còn 28/35 xã đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 20,2%; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 10,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ còn cao (11,17%). Sự bỡ ngỡ từ trong tư duy và quá trình triển khai thực hiện Chương trình gặp nhiều khó khăn về phương pháp, cách làm và nguồn lực hỗ trợ đầu tư. Để tạo đột phá trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu xác định dồn điền đổi thửa là điều kiện, là tiền đề quan trọng. Ngay trong năm 2011, toàn huyện đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp và giao đất ngoài thực địa. Sau dồn điền đổi thửa, số thửa bình quân của mỗi hộ nông dân giảm từ 2,8 xuống còn khoảng 1,5 thửa. Thông qua dồn điền đổi thửa đã quy gọn được quỹ đất công ích từ 506 vùng xuống còn 321 vùng; vận động nhân dân góp trên 345ha đất nông nghiệp và trên 25ha đất thổ cư để làm đường giao thông, thủy lợi và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Cả 35 xã, thị trấn của huyện đã hoàn thành việc lập, phê duyệt và công khai 3 quy hoạch cấp xã đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Huyện đã huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực xã hội hóa và nguồn lực hỗ trợ của con em địa phương xa quê. Giai đoạn 2010-2015, tổng kinh phí huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới của huyện đạt trên 3.200 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân đóng góp trên 345ha đất nông nghiệp, 25ha đất ở để làm đường giao thông, trên 150 nghìn ngày công lao động. Sự đóng góp to lớn của nhân dân thể hiện sự đồng thuận, bền vững, cơ chế chính sách là đúng và phù hợp. Ngày 23-6-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 921/QĐ-TTg công nhận huyện Hải Hậu đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện đầu tiên của cả nước có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện nông thôn mới thứ 5 của cả nước.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu quan điểm: Xác định quy hoạch là cơ sở quan trọng để xây dựng nông thôn mới, phải đi trước một bước, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo lập các quy hoạch cấp xã, quy hoạch vùng huyện, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khảo sát hiện trạng và lập các quy hoạch. Đến tháng 12-2013 toàn tỉnh đã hoàn thành 3 quy hoạch cấp xã; năm 2017 hoàn thành quy hoạch vùng của các huyện, thành phố. Việc công khai và quản lý các quy hoạch được các địa phương thực hiện nghiêm túc theo quy định. Để thực hiện các quy hoạch cấp xã, xác định dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU, UBND tỉnh có Kế hoạch số 45/KH-UBND lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng. Toàn tỉnh có 199 xã, thị trấn thuộc diện thực hiện dồn điền đổi thửa (lần 2), đến hết năm 2015 có 2.976/2.986 thôn, đội đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, đạt 99,7%.
Sau dồn điền đổi thửa số thửa ruộng bình quân của mỗi hộ nông dân trong tỉnh giảm xuống chỉ còn 1,5 thửa (trước khi thực hiện dồn điền đổi thửa là 3,27 thửa/hộ), nhiều xã có tới 75-80% số hộ chỉ còn 1 thửa/hộ; các địa phương đã dồn gọn quỹ đất công ích theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Thông qua công tác dồn điền đổi thửa đã vận động các hộ gia đình, cá nhân đồng tình hiến, góp 2.897ha đất nông nghiệp để chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi... Hầu hết các xã đã quy hoạch được các vùng “cánh đồng lớn” để sản xuất hàng hóa tập trung và có 83% số xã đã quy hoạch được các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư.
Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn
Thành công trong dồn điền đổi thửa kết hợp với chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng đồng ruộng làm cho sản xuất của người dân, doanh nghiệp thuận lợi và hiệu quả hơn trở thành khâu đột phá, mở đầu cho các phong trào xây dựng nông thôn mới rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết "Tam nông", kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường ở nhiều địa phương được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân nông thôn.
Về hạ tầng giao thông, Nam Định đặc biệt coi trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông từ tỉnh tới huyện, xã, thôn, xóm. Trong đó đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải cải tạo, nâng cấp, xây mới 437,7km đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, với tổng mức đầu tư khoảng 18.870 tỷ đồng; đồng thời đã huy động các nguồn lực trong tỉnh để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới được 8.422km đường giao thông nông thôn; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 7.239 cầu cống dân sinh. Đến năm 2018 có 100% số xã đạt tiêu chí giao thông, tăng 21,1% so với năm 2015 và tăng 98,1% so với năm 2010.
Toàn tỉnh đã xây mới, cải tạo, nâng cấp 153 nhà văn hóa xã và khu thể thao xã, 2.662 nhà văn hóa và khu thể thao thôn, xóm; quan tâm bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Tu sửa 209 điểm bưu điện văn hóa xã, đài truyền thanh xã và hệ thống loa đến các thôn xóm thường xuyên được cải tạo, nâng cấp. Chất lượng các dịch vụ viễn thông và internet tiếp tục được nâng cao; công nghệ thông tin được các địa phương ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý điều hành (80% số cán bộ, công chức xã thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ để gửi nhận văn bản điện tử trong công việc). Đến năm 2018 có 100% số xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, tăng 32,5% so với năm 2015 và tăng 91,9% so với năm 2010; có 100% số xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông, tăng 28,2% so với năm 2010.
Cải tạo, nâng cấp, xây mới 166 trạm y tế xã và bổ sung các thiết bị, dụng cụ y tế cho các trạm y tế, đến nay có 100% số xã đạt tiêu chí y tế. Các địa phương đã dành 568.612m2 đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, mở rộng, xây mới trường học các cấp; đã đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới 6.964 phòng học (mầm non 2.394 phòng, tiểu học 2.527 phòng, trung học cơ sở 1.903 phòng, trung học phổ thông 140 phòng). Đến năm 2018 có 100% số xã đạt tiêu chí trường học.
Với cách thức vừa học, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa tổng kết thực tiễn, Nam Định đã sớm đề ra quan điểm: Xây dựng nông thôn mới trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; các xã, thị trấn, các thôn, xóm và người dân nông thôn phải chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
(Còn nữa)
Nhóm Phóng viên Phòng Văn hóa - Xã hội.
TIN LIÊN QUAN
Để trở thành "quán quân" xây dựng nông thôn mới (kỳ 2)