Để vấn đề môi trường tại các trang trại lợn không còn 'nóng'
Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi lợn đã trở thành chủ đề 'nóng' gây bức xúc dư luận ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Đáng nói, đây đều là những dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao, có quy mô lớn, đã được cấp ngành chức năng thẩm duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường?!
Chăn nuôi lợn công nghệ cao vì sao vẫn gây ô nhiễm?!
Những ngày này, dù trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina, tại xã Tân Phúc (Lang Chánh) đã bị UBND Thanh Hóa đình chỉ hoạt động do gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, với người dân nơi đây sự việc vẫn chưa hết bức xúc. Chị Hà Thị Th. (xã Tân Phúc) cho rằng: "Khi mới có thông tin về dự án, bà con địa phương đã rất lo ngại về vấn đề môi trường, do đặc thù của chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, khi nhận được giải thích từ cấp ngành chức năng cũng như đơn vị chủ đầu tư thuyết trình, cam kết về một dự án quy mô lớn, được chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, công nghệ cao, cùng hệ thống xử lý môi trường tiên tiến, hiện đại sẽ không có chuyện làm ảnh hưởng đến môi trường. Bà con Nhân dân đã tin. Còn thực tại, kể từ khi đi vào hoạt động, đơn vị hết lần này đến lần khác vi phạm lời cam kết, gây ô nhiễm môi trường. Dù đã có nhiều đoàn kiểm tra lập biên bản, xử phạt nhưng những vi phạm trên vẫn không được xử lý triệt để, dẫn tới việc tụ tập đông người phản đối, gây mất trật tự”.
Đồng quan điểm với người dân, ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, cho biết: Dự án trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina liên tục vi phạm về vấn đề môi trường không chỉ làm mất niềm tin của Nhân dân trong công tác quản lý, chỉ đạo của chính quyền địa phương mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành điểm “nóng” về mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến mục tiêu phấn đấu chung trong XDNTM của xã, cần có chế tài nghiêm khắc, xử lý dứt điểm.
Tương tự, vấn đề môi trường cũng trở thành tâm điểm gây bức xúc, dẫn tới tình trạng người dân tập trung đông người diễn ra hồi đầu tháng 7/2024, tại trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt, đóng tại xã Bãi Trành (huyện Như Xuân). Theo người dân các xã Nghĩa Yên, Nghĩa Mai, Nghĩa Hồng, Nghĩa Thịnh (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) thì nguồn nước ở Khe Sào, suối Tổng Kho bị ô nhiễm nghiêm trọng kể từ khi trang trại lợn trên đi vào hoạt động.
Ông Phan Văn H. (người dân huyện Nghĩa Đàn) thắc mắc: "Đây không phải dự án nhỏ mà quy mô chăn nuôi lên tới cả chục nghìn con lợn, chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, công nghệ cao, vì sao vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Rõ ràng, trước khi triển khai dự án, đơn vị doanh nghiệp đã diễn thuyết giới thiệu đầy đủ về dự án, trong đó nhấn mạnh cam kết về môi trường; đồng thời, để đi vào hoạt động, cấp ngành chức năng cũng đã có thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thì đơn vị mới đủ điều kiện để hoạt động?!".
Mạnh tay để chấn chỉnh
Ngày 17/7/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã có Văn bản số 6402/STNMT-BVMT về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường tại trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt (đóng tại xã Bãi Trành, huyện Như Xuân). Theo kết quả phân tích, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với trang trại này do đã có các hành vi vi phạm như: Xả nước thải (thông qua việc thẩm thấu từ ao chứa nước thải ra ngoài môi trường) có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; thực hiện không đúng một trong các nội dung của Giấy phép môi trường số 163/GP-UBND, ngày 23/11/2023 đã được UBND tỉnh cấp, với tổng số tiền xử phạt là 120.363.454 đồng.
Yêu cầu Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt bơm hút toàn bộ nước sau xử lý tại hồ chứa nước về hệ thống xử lý nước thải để xử lý lại, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn. Tiến hành gia cố thành đáy hồ chứa nước đảm bảo chống thấm, chống rò rỉ nước thải có chứa thông số ô nhiễm ra Khe Sào. Vận hành thường xuyên, đúng quy trình công trình xử lý nước thải, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường...
Đối với trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina, ngay thời điểm bắt đầu đi vào hoạt động, tình trạng hôi thối đã được bà con kiến nghị, phản ánh nhiều lần. Sở Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc, xử phạt 2 lần với số tiền 95 triệu đồng. Dù đã nhiều lần kiểm tra, chỉ đạo xử lý, thế nhưng việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây không triệt để, khiến người dân bức xúc, tập trung đông người. Chiều 2/7/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cùng đại diện các sở, ngành kiểm tra thực tế khu vực trang trại nuôi lợn của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina. Sau buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã chỉ đạo việc đình chỉ hoạt động của trang trại chăn nuôi lợn từ ngày 30/7/2024 để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường. Nếu vấn đề môi trường không được xử lý dứt điểm, kiên quyết không cho hoạt động trở lại, thậm chí chấm dứt vĩnh viễn.
Với những xử lý nghiêm khắc trước những vi phạm môi trường về hoạt động chăn nuôi lợn thời gian vừa qua của các cấp, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa, hy vọng sẽ là bài học đắt giá nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi. Lợi ích kinh tế từ chăn nuôi phải hài hòa, song hành với các quy định của pháp luật về môi trường, có như vậy chăn nuôi mới được bền vững.