Để văn hóa đọc lan tỏa trong cộng đồng

Năm 2019, hệ thống thư viện công cộng của cả nước có trên 24.000 thư viện, tăng 14%, đó là số liệu được công bố trong Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 'Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030' diễn ra sáng 16-12 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức.

Hành động vì văn hóa đọc

Ngày 15-3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt Đề án), cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia, hình thành nên những người dân có trí tuệ.

Nhiều xe ô tô thư viện lưu động đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc cho cộng đồng.

Nhiều xe ô tô thư viện lưu động đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc cho cộng đồng.

Sau 2 năm triển khai Đề án, các địa phương đã thực hiện hàng loạt dự án, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đến nay, Bộ VH-TT&DL đã nhận được kế hoạch triển khai đề án của 57 tỉnh, thành phố (đạt 90,4%) và của 6 bộ, ngành. Năm 2019, cả nước có trên 24.000 thư viện, tăng 14%; 44 triệu bản sách và 47 triệu lượt người đọc…

Đánh giá về việc triển khai văn hóa đọc, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH,TT&DL) cho biết, văn hóa đọc bước đầu có sự lan tỏa trong nhiều địa phương, trong đó có những mô hình thư viện cộng đồng đã trở thành nơi học tập trọn đời, trở thành điểm hẹn tri thức của nhân dân.

Nhiều hành động cụ thể của Bộ VH,TT&DL và các địa phương đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng như: Tổ chức Ngày sách Việt Nam; tổ chức các buổi tập huấn cho các cán bộ thư viện; thực hiện nhiều buổi tọa đàm để tìm những giải pháp trong việc phát triển văn hóa đọc; phát động chương trình “Cùng bạn đọc sách - Nâng tầm trí tuệ Việt” với sự đồng hành của nhiều nhà xuất bản, nhà sách trong cả nước...

Một trong những hành động cụ thể được thực hiện trong năm 2019 là cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc do Bộ VH,TT&DL tổ chức lần đầu tiên trên phạm vi toàn quốc đã thu hút hơn 536.000 bài dự thi đến từ 4.400 trường học các cấp đã có sức lan tỏa lớn.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà cũng cho biết, trong hai năm qua, các đơn vị đã huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để chung tay phát triển văn hóa đọc. Tiêu biểu là dự án xe ô tô thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” đã cải thiện rõ rệt ý thức ham đọc của người dân ở nhiều địa phương.

“Nếu như năm 2018 các đơn vị trao tặng 8 xe ô tô thư viện lưu động thì đến năm nay đã có 31 xe ô tô thư viện. Những chuyến xe chở tri thức đến các vùng nông thôn, vùng sâu, xa… đã mang đến không khí đọc sách sôi nổi, tinh thần ham học hỏi cho người dân”, bà Thúy Ngà cho biết.

Lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc

Văn hóa đọc đã có sự lan tỏa tới cộng đồng, nhưng để văn hóa đọc trở thành thói quen thường nhật, tạo được sự hứng khởi, đam mê cho người dân ở mọi lứa tuổi lại là việc làm cần được các địa phương có kế hoạch cụ thể và “dài hơi” hơn.

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long), hệ thống thư viện tại các trường học tuy đã chú trọng hơn nhưng vẫn chưa thật sự khuyến khích phong trào đọc sách của học sinh. Nhiều trường còn thiếu những cuốn sách dành cho thiếu nhi, hệ thống mượn - trả lại chưa phù hợp.

Ông Nguyễn Quốc Bảo cho rằng, để phát triển văn hóa đọc trong trường học, các trường cần chú trọng hơn trong việc phân loại sách phù hợp từng lứa tuổi, tạo nhiều sân chơi để khuyến khích học sinh ham đọc sách.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam nhận định: "Trong thời đại kỹ thuật số, thông tin mạng xã hội và internet có tác động không nhỏ tới cộng đồng, ở chừng mực nào đó khiến cho chúng ta lo lắng".

Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, để lan tỏa hơn nữa phong trào văn hóa đọc tới đông đảo công chúng, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục phát triển các chương trình đọc sách như: Ngày sách Việt Nam, phố sách, hội sách xuân; thường xuyên tổ chức các giải thưởng về sách để cổ vũ cho các đơn vị phát hành thực hiện những bộ sách giàu văn hóa…

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, một số địa phương đã làm rất tốt việc này trong đó có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… và cần phải nhân rộng hơn ở các tỉnh, thành khác.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty sáng tạo văn hóa First New cho rằng, trong thời đại giới trẻ thích đọc mạng xã hội, internet hơn là sách báo truyền thống thì Bộ VH,TT&DL cùng các đơn vị phát hành sách uy tín nên có nhiều đợt giới thiệu tốp những cuốn sách hay dành cho các đối tượng độc giả. Cách làm này nhằm hướng dẫn, định hướng cho người đọc những sản phẩm văn hóa uy tín trong vô vàn những cuốn sách đang bán trên thị trường.

Phát triển văn hóa đọc giai đoạn đến năm 2030 đang đặt ra nhiều mục tiêu cho ngành văn hóa. Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, thời gian tới, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyên truyền với nhiều hình thức mới, hiện đại nhằm tăng tính hấp dẫn cho bạn đọc. Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng việc đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động thư viện; các nhà xuất bản, công ty phát hành sách cần nâng cao chất lượng nội dung và hình thức các xuất bản phẩm…

Theo Hanoimoi

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tin-tuc/de-van-hoa-doc-lan-toa-trong-cong-dong-126874.html