Để Việt Nam thực sự giàu có

Việt Nam đã có sự tăng trưởng về kinh tế rất mạnh mẽ nhưng để vươn lên thành một đất nước giàu có đòi hỏi cần có nhiều nỗ lực.

Báo cáo mới phát hành của Tập đoàn tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh) cho thấy năm 2022, Việt Nam (VN) có hơn 1.000 người siêu giàu với tài sản cá nhân từ 30 triệu USD trở lên. Dự báo đến năm 2027, số lượng này sẽ cán mốc gần 1.300 người.

Những tiến bộ vượt bậc

Insider Monkey cũng cho biết VN đứng ở vị trí 16 với tổng tài sản năm 2021 là 985 tỉ USD trong danh sách 21 quốc gia và vùng lãnh thổ giàu có nhất châu Á.

Tổ chức này cũng nhận định dù VN là một quốc gia đang phát triển nhưng đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thậm chí là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế kỷ 21.

Mức thu nhập của người Việt ngày càng được nâng cao, có khả năng muacácsản phẩm ngoại nhập đắt tiền. Ảnh: P.MINH

Mức thu nhập của người Việt ngày càng được nâng cao, có khả năng muacácsản phẩm ngoại nhập đắt tiền. Ảnh: P.MINH

PGS Phạm Thị Thu Trà, Chủ nhiệm nhóm bộ môn kinh tế và tài chính Trường ĐH RMIT VN, cho biết bảng xếp hạng do Insider Monkey đưa ra không dựa vào GDP (tổng sản phẩm quốc nội) hay GDP bình quân đầu người làm cơ sở.

Thay vào đó, thứ hạng được xác định bằng cách xem xét tổng tài sản tài chính và phi tài chính sau khi trừ đi nợ. Ở một số quốc gia, số lượng tài sản tài chính vượt xa GDP của họ. Chẳng hạn, vào năm 2021, tài sản ngân hàng của Hong Kong lên tới 270% GDP, trong khi Trung Quốc ghi nhận 214%, Qatar là 204% và VN đứng thứ 14 trên toàn cầu với 136%.

Theo World Bank, trong giai đoạn 2010-2021, tỉ trọng xuất khẩu GDP của VN đã tăng 51,4%. Hiện tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của VN chiếm 35,9% tổng sản phẩm quốc nội.

Mặc dù những con số này phản ánh tổng giá trị tài sản nhưng chúng không đảm bảo tỉ lệ thu nhập của một quốc gia có được từ những tài sản này. Do đó, việc sử dụng những số liệu này để suy luận về sự giàu có hoặc mức độ giàu có của một quốc gia có thể gây hiểu nhầm.

Để tăng trưởng bền vững

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho biết việc xem xét một quốc gia giàu có dựa trên nhiều yếu tố. Chẳng hạn, theo World Bank, đó là nguồn nhân lực, nguồn vốn sản xuất và tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, nhìn chung, các nhà kinh tế thường sử dụng GDP bình quân đầu người như một chỉ số về mức độ thịnh vượng kinh tế của một quốc gia.

Một trong những sự tăng trưởng kinh tế VN là đến từ xuất khẩu. Thế nhưng yếu tố này lại đang phụ thuộc vào khu vực FDI (doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài). “Điều này cho thấy FDI đã mang đến cho VN sự thịnh vượng về kinh tế, từ tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như tác động lan tỏa và liên kết tích cực” - ông Phương phân tích.

Cũng theo ông Phương, nhờ FDI các DN nội địa đã nâng chuẩn chất lượng, nâng cao trình độ công nghệ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tạo ra tầng lớp quản lý đạt tiêu chuẩn quốc tế.

“Tuy nhiên, để sự tăng trưởng kinh tế có sự bền vững theo thời gian trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia thì cần gia tăng sức mạnh của DN nội địa, nhằm tạo sự cân bằng với các DN FDI. Vì nếu các DN FDI rời đi sau khi hết ưu đãi thì kinh tế VN sẽ bị ảnh hưởng” - ông Phương nhấn mạnh.

Cần chú ý nhiều yếu tố khác

PGS Phạm Thị Thu Trà cũng đánh giá có một mối lo ngại thường được biết đến rằng tăng trưởng của VN phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là do khu vực FDI chi phối.

Sự hiện diện của các DN FDI trong lĩnh vực sản xuất đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi để hấp thụ lao động trong quá trình theo đuổi mục tiêu tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của VN.

Ngoài ra, việc nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động trở nên cần thiết khi các nhà tuyển dụng, bao gồm cả những người trong khu vực FDI, yêu cầu nhân tài có kỹ năng cao hơn. Điều này đòi hỏi phải cải thiện hệ thống giáo dục, đào tạo kỹ thuật, dạy nghề và giáo dục ĐH. Nếu những thách thức này không được giải quyết, có khả năng tăng trưởng sẽ chậm lại khi chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu không còn tác dụng.

Vì vậy, điều thực sự quan trọng đối với tăng trưởng dài hạn của VN không chỉ là dựa vào xuất khẩu hay FDI. Thay vào đó, nó nằm ở cách chúng ta tận dụng xuất khẩu, dòng vốn FDI, tác động lan tỏa của FDI và các nguồn lực sẵn có khác. Từ đó nâng cao năng lực sản xuất thông qua đầu tư hiệu quả vào công nghệ, đổi mới; nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Nếu đáp ứng các yêu cầu này, đất nước có thể xây dựng thành công những lợi thế mới và phát triển mạnh trong dài hạn.

Tóm lại, chìa khóa nằm ở việc xác định, nuôi dưỡng và phát huy những lợi thế của đất nước đúng thời điểm và đúng cách.

Tăng trưởng thông qua kích thích chi tiêu

Theo PGS Phạm Thị Thu Trà, những năm gần đây nhiều quốc gia đã theo đuổi các chính sách tăng trưởng thông qua kích thích chi tiêu, đặc biệt là để đối phó với những thách thức do đại dịch và khủng hoảng kinh tế sau đó gây ra. Các chính sách này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tăng chi tiêu Chính phủ và chi tiêu tư nhân.

Các biện pháp kích thích này, nếu thực hiện thành công, có thể có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tác động của chúng không được đảm bảo trong dài hạn. Tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn dựa vào khả năng đầu tư và sản xuất của một nền kinh tế khi liên tục cải thiện năng lực sản xuất và sản lượng tiềm năng.

Các yếu tố góp phần vào tăng trưởng dài hạn bao gồm tiến bộ và đổi mới công nghệ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, máy móc và thiết bị; đầu tư vào nguồn nhân lực thông qua giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng. Ngoài ra, sự hiện diện của các thể chế lành mạnh và quản trị hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia cho rằng đầu tư cho nguồn nhân lực sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Q.HUY

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-viet-nam-thuc-su-giau-co-post739447.html