Để vùng Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững
Chiều 30/11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ hai.
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý, đề xuất các giải pháp đột phá cho Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Tây Nguyên là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước; địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, phát triển của vùng còn nhiều hạn chế, tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong 6 vùng; giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp; đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết.
Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng; tư duy và liên kết vùng chậm được đổi mới; chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ; nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng. Ngoài ra, cơ chế, chính sách cho vùng chưa có trọng tâm, trọng điểm và chưa sát với thực tiễn; thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, thiếu hiệu lực, hiệu quả; các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của mình và của vùng.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên, cho biết, xác định rõ vị trí vai trò của quy hoạch, ngay từ những ngày đầu tổ chức lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng để triển khai lập quy hoạch vùng.
Quy hoạch vùng được xây dựng nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học, trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị trong việc tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn" phát triển của vùng; hướng đến mục tiêu phát triển Xanh- Hài hòa - Bền vững.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề cập đến những ngành có lợi thế của vùng như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo; đưa văn hóa Tây Nguyên trở thành động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập của vùng. Đồng thời quy hoạch vùng hướng tới mục tiêu kết nối đồng bộ từ hạ tầng số đến hạ tầng giao thông tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế…
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển vùng được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước.
Đồng thời, Quy hoạch vùng Tây Nguyên có ý nghĩa quan trọng trong việc chủ động kiến tạo phát triển và tăng cường liên kết vùng; cụ thể hóa phương hướng tổ chức không gian và phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu của vùng Tây Nguyên được đề ra tại Nghị quyết số 23 –NQ/TW; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia và các Quy hoạch ngành cấp quốc gia đã và đang được phê duyệt.
Để triển khai đạt hiệu quả cao Quy hoạch vùng Tây Nguyên, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên đề xuất cơ quan lập quy hoạch vùng xem xét bổ sung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Trong số đó, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình lớn về hạ tầng giao thông, đảm bảo thông suốt, nối liền với sân bay, cảng biển, các trung tâm sản xuất, đô thị lớn và các vùng phụ cận.
Lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm điều chỉnh Quyết định 326/QĐ-TTg về việc phân bổ chỉ tiêu đất, nhất là đất giao thông phù hợp với nhu cầu thực tế phát triển của địa phương, nhu cầu thực hiện các chương trình, dự án…
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương có chính sách quan tâm đến người đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo họ được ưu tiên và hưởng lợi trong định hướng phát triển quy hoạch vùng; sớm ban hành các cơ chế, chính sách riêng, đặc thù cho các tỉnh Tây Nguyên, giúp các tỉnh tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn để tạo đột phá, phát huy được tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng an ninh.
Các bên cũng đã thống nhất về mô hình "3 tiểu vùng – 3 cực tăng trưởng – 5 hành lang kinh tế" cho vùng Tây Nguyên. Theo đó, cần bổ sung, làm rõ thêm về các hành lang kinh tế, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng nhằm khắc phục những "điểm nghẽn", tạo động lực cho phát triển vùng Tây Nguyên.
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết, qua nghiên cứu tổng thể báo cáo các nội dung chính của Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cần thêm một số tuyến giao thông mới ngoài 6 tuyến cao tốc đã quy hoạch và đang triển khai.
Cụ thể, các tuyến giao thông mới bao gồm: cao tốc Kon Tum – Quảng Ngãi; cao tốc Đà Nẵng – Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi – Bờ Y. Những tuyến này sẽ giúp vùng Tây Nguyên kết nối tốt hơn với các vùng lân cận và khu vực quốc tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: Tây Nguyên là vùng đất nghèo, khó khăn nhưng cũng cống hiến nhiều cho đất nước. Do đó, phải có cơ chế riêng cho Tây Nguyên, không phải theo cơ chế xin cho như các vùng khác. Ngoài ra, Tây Nguyên là vùng đông dân tộc thiểu số và chính sách phát triển nên phải ưu tiên để giúp cho Tây Nguyên phát triển.
“Với sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương trong vùng, cũng như sự góp sức chung tay của các chuyên gia, nhà khoa học, Quy hoạch vùng Tây Nguyên với tư duy, tầm nhìn mới, mở ra cơ hội, không gian phát triển mới sẽ sớm đi vào cuộc sống, là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư và góp phần giúp cho vùng Tây Nguyên sẽ có những bước phát triển nhanh và bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch vùng để thẩm định; dự kiến trình duyệt trong tháng 12/2023.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-vung-tay-nguyen-phat-trien-nhanh-va-ben-vung/316675.html