Đề xuất 3 tháng điều chỉnh giá điện 1 lần: Cần công khai, minh bạch
Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đưa ra đề xuất giảm thời gian điều chỉnh giá điện tăng/giảm 3 tháng/lần, thay vì 6 tháng như hiện nay. Góp ý đề dự thảo mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đồng tình với giá bán lẻ điện giảm nếu chi phí đầu vào giảm 1%. EVN cũng sẽ được phép điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần nếu chi phí đầu vào tăng 3% trở lên.
Rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện
Hiện giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng một kWh, áp dụng từ 4/5/2023. Mức này được Chính phủ quy định cứng (theo từng thời kỳ, năm) và là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Góp ý với Bộ Công Thương về dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN đồng tình với thẩm quyền và rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện.
Theo đó, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành, EVN sẽ giảm giá điện. Nếu giá điện bình quân tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được tăng giá ở mức tương ứng. EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát. Trường hợp giá điện tăng từ 5% đến dưới 10%, thẩm quyền quyết định tăng giá sẽ do Bộ Công Thương quyết định. Còn với mức tăng giá bán lẻ bình quân trên 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
EVN cũng đồng ý với tần suất điều chỉnh giá tối thiểu 3 tháng một lần và mức tăng hoặc giảm giá điện bình quân trong khung giá do Thủ tướng quy định. Việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hằng năm do Bộ Công Thương chủ trì, trên cơ sở báo cáo chi phí sản xuất, tài chính của công ty mẹ và các đơn vị thành viên đã kiểm toán độc lập của EVN.
Theo các chuyên gia, việc cơ chế biểu giá bán lẻ điện bình quân không thay đổi trong 7 năm qua, đã bộc lộ những hạn chế, như cơ cấu điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào, đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện. Do vậy, cần có sự điều chỉnh cần kịp thời hơn, sửa cách tính để giá điện theo đúng tín hiệu thị trường.
Về phương án 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần, Giáo sư, TSKH Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học Công nghệ - Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, khi chu kỳ điều chỉnh giá điện càng ngắn thì càng thích hợp hơn với sự phát triển của thị trường. Trước đây nhiều ý kiến cho rằng 6 tháng điều chỉnh 1 lần là phù hợp, tuy nhiên, trong điều kiện thị trường giá cả biến động nhanh như hiện nay thì 3 tháng xem xét lại để điều chỉnh là phù hợp hơn với thực tế. Việc điều chỉnh cần phải công khai minh bạch các chi phí, để giám sát sự minh bạch này đã có rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng giám sát nên tính minh bạch này được đảm bảo hơn.
Cùng với đó, với việc đề xuất tăng giá điện của EVN, Giáo sư, TSKH Trần Đình Long cho rằng, cần tính toán cho minh bạch, cơ quan quản lý nhà nước thấy được những tính toán như vậy hợp lý, phù hợp thì hãy cho phép tăng giá điện để đảm bảo sản xuất, kinh doanh ổn định.
TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc Bộ Công Thương đề xuất thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (giá bán lẻ điện) từ 6 tháng xuống 3 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất là cần thiết, phù hợp với thực tế giá nguyên liệu đầu vào của nhiệt điện liên tục biến động. Giá bán lẻ điện được điều chỉnh linh hoạt, xóa bỏ bất cập giá thành sản xuất cao hơn giá bán điện, giúp doanh nghiệp và hộ gia đình điều chỉnh kế hoạch sử dụng điện. Bên cạnh đó, việc giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ truyền đi tín hiệu giá điện cũng sẽ điều chỉnh theo cơ chế thị trường có lên, có xuống để doanh nghiệp và người dân không tâm tư, giảm thiểu lạm phát kỳ vọng khi giá điện biến động.
Phải thận trọng xem xét
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cho rằng, câu chuyện điều chỉnh 3 hay 6 tháng không phải vấn đề lớn. Như giá xăng dầu đã có cơ chế cho phép điều chỉnh theo kỳ, có lên có xuống. Nếu với điện cũng cho phép điều chỉnh trong 3 tháng, với ngưỡng phù hợp sẽ không tạo ra cú sốc quá nặng. Ví dụ giá nhiên liệu tăng lên 10-20% nhưng EVN chỉ điều chỉnh 2-3% thì tác động cũng không quá lớn, tránh việc dồn ứ chênh lệch chi phí và điều chỉnh với con số cao. Bản chất hiện nay, giá bán lẻ điện đang thấp hơn nhiều so với mức tăng các chi phí khác. Không chỉ EVN, nhiều công ty, tập đoàn trên thế giới cũng gặp áp lực tương tự. Nếu chúng ta có được cơ chế linh hoạt, mềm mại hơn thì rõ ràng trong trường hợp này, tác động cũng sẽ không quá lớn.
Theo Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cũng, đề xuất thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện 3 tháng là theo đúng cơ chế thị trường, nhưng hiện Quyết định 24 của Chính phủ ban hành từ năm 2017 cho phép thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất cũng chưa thực hiện được vì EVN không dám tự điều chỉnh giá điện. Trong khi đó, về mặt thị trường điện, trong khối ASEAN, số quốc gia điều chỉnh giá điện từ 3-4 tháng chiếm số lượng nhiều. Điều chỉnh giá điện 3 tháng cũng được, nhưng vấn đề đặt ra là phải làm sao để công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền. Để làm được điều đó, phương án tốt nhất là Việt Nam nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập, ngoài EVN nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra.
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nên làm việc, mời thêm những chuyên gia đầu ngành về năng lượng và giá do Chính phủ chỉ định, để quyết định việc điều chỉnh giá điện. Trường hợp, nếu giá than biến động mạnh thì có thể điều chỉnh 3 tháng một lần, còn không thì điều chỉnh 6 tháng 1 lần để tránh giật cục. Bên cạnh đó, khi điều chỉnh giá điện, cần lấy giá nguyên liệu để làm chuẩn. Ví dụ như Singapore lấy giá gas (xuất ở cảng Singapore) làm chuẩn, ở Thái Lan do Nhà Vua chỉ định nhưng cũng lấy giá gas làm chuẩn. Còn ở Việt Nam, tính chất nguyên liệu có phát điện có đặc thù khác, do vậy, cần lấy giá than của Indonesia làm chuẩn. Than của Indonesia là than nhiệt (phù hợp với nhiệt điện ở Việt Nam), còn than của Austrailia chủ yếu là than đá, không phù hợp với nhiệt điện ở Việt Nam.
“Việc điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần không nhất thiết phải điều chỉnh toàn bộ bảng giá mà có thể đặt ra phụ trợ nhiên liệu, khi nào giá than tăng thì giá điện cũng tăng theo và ngược lại, khi giá than giảm thì giá điện cũng phải giảm theo”, ông Đào Nhật Đình nói.
Về vấn đề này, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân cho rằng, theo phương án mới nên được áp dụng đúng. Tham vọng của các nhà quản lý là muốn đưa mặt hàng điện điều tiết theo thị trường, theo tín hiệu thị trường. Chỉ cần làm đúng quy định này là ổn, tránh sự xáo trộn, hoang mang cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vấn đề tăng giảm giá điện để doanh nghiệp chủ động được việc tính chi phí vào giá thành sản phẩm ổn định. Với việc phân cấp sẽ chủ động cho ngành điện vì độ trễ về mặt chính sách sẽ không xảy ra nữa. Doanh nghiệp sẽ chủ động tăng, giảm giá thành của sản phẩm, dịch vụ. Còn với người tiêu dùng, giá điện điều chỉnh vẫn trong khung giá sẽ không gây ra sự biến động quá lớn.
PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện nay, việc tính toán giá thành cho các yếu tố đầu ra, đầu vào, lương thưởng... vẫn chưa thực sự công khai, minh bạch. Do vậy, nếu giao thẩm quyền cho EVN cứ 3 tháng 1 lần được điều chỉnh giá điện thì cần phải thận trọng trong việc xem xét.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, việc giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện xuống còn 3 tháng và quy định điều chỉnh giá có tăng có giảm sẽ dần xóa bỏ tình trạng giá bán lẻ điện thấp hơn giá thành sản xuất, đảm bảo có lãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện.