Đề xuất 4 chính sách phát triển thương hiệu nông sản Việt

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất xây dựng Nghị định về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam nhằm bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, giải quyết các hạn chế trong quản lý và nâng cao giá trị nông sản.

Năm 2007, khi gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 12,6 tỷ USD. Đến năm 2023, con số này tăng gấp 4,2 lần, đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục 12,07 tỷ USD, chiếm 42,5% tổng xuất siêu cả nước. Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 54 - 55 tỷ USD, nhưng chỉ trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch đã đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ 2023, vượt xa kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, thực tiễn trong thời gian qua cùng với các báo cáo của Quốc hội và Chính phủ đều chỉ ra rằng sản phẩm nông sản Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều hạn chế. Đầu ra chưa ổn định, giá trị gia tăng thấp, mà một trong những nguyên nhân chính là chất lượng sản phẩm thiếu đồng nhất và việc xây dựng thương hiệu còn yếu.

Bên cạnh đó, các chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản vẫn mang tính chung chung, thiếu cụ thể và chưa phù hợp với đặc thù của ngành nông nghiệp. Với đặc điểm sản xuất quy mô nhỏ lẻ và khó kiểm soát chất lượng, nông sản Việt Nam gặp khó khăn trong việc tạo dựng uy tín thương hiệu bền vững.

Do đó, cần phải bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật mang tính đặc thù, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia phát triển nhãn hiệu và thương hiệu nông sản.

4 chính sách mới tạo nền tảng nâng cao giá trị gia tăng, quảng bá và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam cả trong nước lẫn quốc tế.

4 chính sách mới tạo nền tảng nâng cao giá trị gia tăng, quảng bá và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam cả trong nước lẫn quốc tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tiễn triển khai cho thấy việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các nông sản chủ lực quốc gia gắn với tên định danh “Việt Nam” vẫn gặp nhiều khó khăn. Điển hình là trường hợp đăng ký bảo hộ tên gọi “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” do Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam đứng tên. Ngay cả khi quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ, nhiều sản phẩm nông sản vẫn chưa được khai thác hiệu quả để phát triển thành thương hiệu mạnh, dẫn đến lãng phí tiềm năng và giá trị vốn có.

Trong khi đó, nhiều quốc gia có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới đã thành công trong việc xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu nông sản quốc gia. Chẳng hạn, Thái Lan nổi bật với gạo và lụa; Colombia với cà phê; Chile với hoa quả thông qua nhãn hiệu “Fruit of Chile”; Úc với các thương hiệu “Australian Made” và “Australian Seafood”...

Từ thực tế đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định việc nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành "Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam" là một chủ trương đúng đắn và cấp thiết. Nghị định này sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách và quản lý nhà nước, tạo nền tảng nâng cao giá trị gia tăng, quảng bá và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam cả trong nước lẫn quốc tế.

Để xây dựng "Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất 4 chính sách bao gồm:

Chính sách 1: Chính sách hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản;

Chính sách 2: Chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản ở trong và ngoài nước;

Chính sách 3: Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu, đơn vị tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản;

Chính sách 4: Chính sách hỗ trợ các chương trình truyền thông, quảng bá, phát triển thị trường.

Trong đó, chính sách hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nhằm mục tiêu quản lý chặt chẽ chất lượng quy trình sản xuất, chế biến, bao gói, bảo quản...; tổ chức, đầu tư sản xuất quy mô lớn, sản lượng lớn, phát triển vùng nguyên liệu, ổn định; chứng nhận chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường; giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng, đảm bảo sản phẩm an toàn và cam kết truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Nội dung của chính sách là quy định chính sách hỗ trợ về tín dụng và đầu tư, nghiên cứu khoa học công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, xây dựng mô hình mẫu cho các tổ chức, cá nhân trong toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm đạt nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam, vùng, miền, địa phương.

Để triển khai 4 chính sách trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng cho các sản phẩm nông sản được chứng nhận nhãn hiệu, thương hiệu Việt Nam, theo từng vùng miền và địa phương.

Đồng thời, việc sản xuất các sản phẩm đạt nhãn hiệu nông sản Việt Nam hoặc đặc trưng vùng miền sẽ được đưa vào danh mục ưu tiên trong các chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp và nông thôn hiện hành, bao gồm hỗ trợ kinh phí khoa học, khuyến nông, tín dụng, đất đai và các chính sách liên quan khác.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất bổ sung chính sách riêng, mang tính đặc thù dành cho các đối tượng như hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội, trang trại và hộ gia đình. Theo đó sẽ có quy định hỗ trợ 100% chi phí xây dựng mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, bao gồm các yếu tố như giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y hợp pháp.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-xuat-4-chinh-sach-phat-trien-thuong-hieu-nong-san-viet-d234559.html