Đề xuất 4 nhóm chính sách đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp

Sáng 11/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đối tượng áp dụng là đại diện chủ sở hữu nhà nước. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Doanh nghiệp do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nắm giữ 100% vốn điều lệ. Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 4 nhóm chính sách được đề xuất trong luật bao gồm: đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu.

Thẩm tra đề nghị bổ sung dự án Luật của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật nhận thấy việc sửa đổi Luật toàn diện là cần thiết. Với 4 nhóm chính sách được Chính phủ đề xuất đã bảo đảm phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đã được rà soát để bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi. Tuy nhiên cũng đề nghị, nghiên cứu kỹ, đánh giá từng chính sách. Trong đó, đối với chính sách quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thì làm rõ hơn về thẩm quyền huy động vốn; nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp; làm rõ việc bổ sung các nguyên tắc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Thực hiện : Dương Dung Diệu Huyền Quang Sỹ Anh Đức

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/de-xuat-4-nhom-chinh-sach-dau-tu-von-nha-nuoc-vao-doanh-nghiep