Đề xuất Bộ Công an là cơ quan lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù
Điều này nhằm quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và khắc phục 'khoảng trống' của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007 khi không quy định về cơ quan có trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dẫn đến việc Việt Nam không thể chủ động trong vấn đề này.
Bảo đảm tốt hơn quyền con người của người đang chấp hành án phạt tù
Tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/4, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, một số quy định của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007 không phù với pháp luật và thông lệ quốc tế, các hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam đã ký kết. Do đó, việc xây dựng dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là cần thiết.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến trình bày tờ trình.
Mục đích của việc ban hành Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, toàn diện, cụ thể, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; giúp bảo đảm tốt hơn quyền con người của người đang chấp hành án phạt tù; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Dự thảo luật gồm 5 chương, 45 điều. So với quy định của Luật TTTP năm 2007 trong lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo luật sửa đổi 14 điều, xây dựng mới 18 điều, bỏ 1 điều và 2 quy định.
Về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cho hay, Điều 5 dự thảo luật quy định điều kiện và cơ quan chủ trì xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (Bộ Công an).

Quang cảnh hội trường.
Về thời điểm người đang chấp hành án phạt tù có quyền rút đơn xin chuyển giao, Điều 7 dự thảo luật quy định người đang chấp hành án phạt tù chỉ có quyền rút lại đơn xin chuyển giao trước khi quyết định thi hành quyết định tiếp nhận hoặc quyết định thi hành quyết định chuyển giao có hiệu lực. Quy định này nhằm khắc phục bất cập trong việc người đang chấp hành án phạt tù tùy tiện rút đơn xin chuyển giao gây lãng phí thời gian, công sức và kinh phí cho cả Việt Nam và nước ngoài.
Người đang chấp hành án hoặc tổ chức, cá nhân có thể hỗ trợ kinh phí chuyển giao
Đối với kinh phí trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo luật quy định kinh phí chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật. Người đang chấp hành án phạt tù hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thể tự nguyện đóng góp, hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí sinh hoạt, đi lại và các chi phí khác của người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao theo quy định của pháp luật.
"Nếu Việt Nam là nước chuyển giao, Việt Nam chịu trách nhiệm bảo đảm kinh phí hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phát sinh hoàn toàn trong lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu Việt Nam là nước nhận, Việt Nam chịu trách nhiệm bảo đảm kinh phí hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phát sinh từ thời điểm tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quy định này đáp ứng yêu cầu công tác cũng như phù hợp với quy định của các hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo luật quy định Chính phủ quy định chi tiết nội dung này", Thứ trưởng Lê Văn Tuyến thông tin.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.
Về trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của Việt Nam, dự thảo luật quy định Bộ Công an có thể lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Quy định này nhằm quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và khắc phục "khoảng trống" của Luật TTTP năm 2007 (Luật TTTP năm 2007 không có quy định về cơ quan có trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dẫn đến việc Việt Nam không thể chủ động trong đề nghị chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù).
Về chuyển đổi hình phạt trong trường hợp tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam, dự thảo luật quy định về điều kiện, căn cứ, nguyên tắc chuyển đổi hình phạt. Cụ thể, trường hợp hình phạt trong bản án, quyết định mà nước chuyển giao tuyên đối với người đang chấp hành án phạt tù không phù hợp với các quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam thì phải chuyển đổi cho phù hợp. Việc chuyển đổi hình phạt phải căn cứ vào các tình tiết của vụ án được nêu trong quyết định hoặc bản án đã được nước chuyển giao tuyên. Hình phạt chuyển đổi không được nghiêm khắc hơn hình phạt mà nước chuyển giao đã tuyên về tính chất và thời hạn; không chuyển đổi hình phạt tù thành các hình phạt khác.
Trường hợp hình phạt tù mà nước chuyển giao đã áp dụng với người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn trên 30 năm đối với nhiều tội thì hình phạt được chuyển đổi ở Việt Nam có thời hạn cao nhất đến 30 năm. Trường hợp hình phạt tù mà nước chuyển giao đã áp dụng với người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn trên 20 năm đối với một tội thì hình phạt được chuyển đổi ở Việt Nam có thời hạn cao nhất đến 20 năm. Thời gian đã chấp hành án phạt tù ở nước chuyển giao được trừ vào thời hạn hình phạt tù tại Việt Nam. Người đang chấp hành án phạt tù được tiếp nhận về Việt Nam không bị kết án lần thứ hai về tội phạm đã được tuyên trong bản án của nước chuyển giao. Đây là các quy định cụ thể hơn so với Luật TTTP.
Dự thảo luật cũng quy định 4 trường hợp hủy quyết định thi hành quyết định tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù...