Đề xuất bỏ khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' gây tranh cãi
Đề xuất chấm dứt khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' của GS Trần Ngọc Thêm nhận ý kiến trái chiều của giáo viên và chuyên gia.
"Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Chừng nào còn đề cao chữ Lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển", GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) nêu ý kiến tại Hội thảo giáo dục 2021 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức.
Luôn luôn phù hợp
Cô Nguyễn Thanh Hương (giáo viên cấp 3 tại Đoan Hùng, Phú Thọ) bày tỏ, mỗi khẩu hiệu đều mang ý nghĩa riêng và gắn liền với triết lý giáo dục.
Theo cô, nghĩa cụm từ "Tiên học lễ" là đầu tiên phải học đạo làm người, học các quy tắc ứng xử, lấy đức làm gốc rễ, nền tảng để tạo dựng nhân cách. Còn cụm từ "Hậu học văn" tức là sau khi học đạo làm người mới đến học văn hóa, rèn luyện kiến thức, trình độ chuyên môn cao. Cũng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn trở thành người có ích cho xã hội cần phải rèn cả đức lẫn tài, phải lấy đức làm gốc rễ nền tảng, từ đó phát triển tri thức, nâng cao trí tuệ. Như vậy, với đề xuất bỏ khẩu hiệu trên là bất hợp lý và đi ngược với giá trị đạo đức, đạo làm người mà các bậc cha chú chúng ta bấy lâu nay xây dựng.
"Dù xã hội thay đổi từng ngày, công nghiệp hóa giáo dục, hay các cuộc cách mạng khoa học phát triển tới 4.0 rồi 5.0 thì mục tiêu đào tạo ra những con người tinh hoa, đủ đức, đủ tài là những điều luôn song song và không thể thiếu. Con người một mỗi ngày một tiến bộ hơn, thông minh hơn, tài giỏi hơn nhưng không vì thế chúng ta đoạn tuyệt quá khứ và giá trị cốt lõi đạo đức, mà phải kế thừa và phát triển", cô Thanh Hương nhấn mạnh.
Theo nữ giáo viên, thay vì bỏ triết lý "tiên học lễ, hậu học văn" chúng ta nên chú trọng vào giáo dục đạo đức, khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh ở người học để các em tự giác nhận thức được trách nhiệm đạo đức của mình. Từ đó, người học mới có thể phát huy tính sáng tạo, có tư duy phản biện trong quá trình học tập.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn phù hợp dù ở bất kỳ hoàn cảnh giáo dục hay thời đại nào. Bởi, "lễ" không chỉ là lễ phép, đó còn là đạo đức làm người, "văn" là học văn hóa. Trước khi học kiến thức, con cái chúng ta phải học đạo đức làm người. Dù ở thời đại học thì người Việt ta vẫn lấy đức làm gốc.
"Con người cần những khuôn phép nhất định, không đến mức gạt hết tất cả cá tính, bản sắc của mình để theo lễ giáo khô cứng, nhưng cần chuẩn mực đạo đức", GS Thuyết nêu quan điểm.
Khẩu hiệu đã lạc hậu
Đồng quan điểm GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam nêu, dưới sự ảnh hưởng của lễ giáo Nho học, "Tiên học lễ, hậu học văn" đã trở thành khẩu hiệu không thể thiếu ở hầu hết các trường phổ thông. Nó mang ý nghĩa tốt đẹp, như một lời nhắc nhở mỗi học sinh và giáo viên khi đã bước chân vào ngành giáo dục thì điều đầu tiên phải học là học về lễ độ, cách ứng xử.
Tuy nhiên, đã đến lúc nên chấm dứt khẩu hiệu này bởi mỗi thời đại cần đưa ra một khẩu hiệu, phương châm giáo dục riêng. Không nên đem khẩu hiệu từ thời Nho học, phong kiến để áp vào thời đại xã hội chủ nghĩa; nhất là giai đoạn kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp như hiện tại.
"Trong giai đoạn kinh tế tri thức, cần phải xem xét để đưa ra khẩu hiệu mà ở đó đòi hỏi con người làm chủ được tương lai, tri thức và công nghệ; chứ không đơn thuần là "lễ và văn" như thời xưa. Giáo dục kiến tạo, giáo dục hướng đến sự tự do… rất cần cho việc giáo dục con người trong thời đại mới", GS Phạm Tất Dong cho biết.
Thầy Trần Văn Minh (giáo viên cấp 3 tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, lâu nay, nhiều ngôi trường duy trì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" nhưng lại không chú trọng chuyển hóa nó thành hiện thực. Thậm chí, một số cơ sở giáo dục còn đầu tư làm khẩu hiệu và treo rất hoành tráng, nhưng giáo viên lại không có cơ hội và cũng không biết làm thế nào để có thể dạy "lễ" cho học sinh. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc học sinh "xử" nhau bằng vũ lực; trò hỗn láo, đòi "solo" với giáo viên...
"Nếu chỉ đơn giản là treo khẩu hiệu rồi quên đi việc thực hiện phương châm ấy, thì theo tôi là nên chấm dứt để giảm thiểu căn bệnh hình thức. Trên thực tế, bất cứ khẩu hiệu nào, dù hay và ý nghĩa đến đâu, nhưng cũng sẽ trở nên vô giá trị khi nó mãi chỉ là khẩu hiệu suông, nói mà không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn.
Không cần reo hò "Tiên học lễ, hậu học văn", mỗi thầy cô hãy tạo ra môi trường kỷ cương, nề nếp bằng cách trở thành tấm gương đạo đức cho học sinh, song song với việc truyền đạt kiến thức. Dù không "đao to búa lớn" như những câu khẩu hiệu, nhưng đây chính là việc làm chuẩn mực và thiết thực với nền giáo dục nước nhà", thầy Minh nêu ý kiến.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/de-xuat-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-gay-tranh-cai-ar648447.html