ĐỀ XUẤT BỔ SUNG NGƯỜI CÓ CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ DƯỢC ĐƯỢC THỰC HIỆN DỊCH VỤ CHĂM SÓC DƯỢC TẠI CƠ SỞ BÁN LẺ THUỐC
Đóng góp ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, TS.DS Nguyễn Thị Phương Thúy - Trường Đại học Dược Hà Nội đề xuất bổ sung người có chứng chỉ hành nghề dược tại cơ sở bán lẻ thuốc (dược sĩ cộng đồng) được thực hiện dịch vụ chăm sóc dược tại cơ sở bán lẻ thuốc (dược cộng đồng) theo quy định của Bộ Y tế.
Luật Dược năm 2016 là cơ sở pháp lý cao nhất, là hành lang pháp lý giúp ngành dược phát triển, phục vụ an toàn, hiệu quả sức khỏe người dân. Tuy nhiên, sau gần 7 năm triển khai thực hiện Luật Dược đã cho thấy có một số quy định của Luật không còn phù hợp yêu cầu quản lý, gây ra một số vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng thuốc, nhất là trong điều kiện cấp bách như phòng, chống dịch bệnh.
Để khắc phục những bất cập trên, Bộ Y tế đang được phân công chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đóng góp vào việc sửa đổi Luật Dược, Tiến sĩ, dược sĩ (TS.DS) Nguyễn Thị Phương Thúy - Trường Đại học Dược Hà Nội cho rằng, cần bổ sung quyền và nghĩa vụ của người hành nghề dược tại Điều 30 và Quyền, trách nghiệm của cơ sở bán lẻ thuốc là nhà thuốc tại Điều 47.
Theo đó, tại Điều 30 về quyền và nghĩa vụ của người hành nghề dược thì nên bổ sung: Người có chứng chỉ hành nghề dược tại cơ sở bán lẻ thuốc (dược sĩ cộng đồng) được thực hiện dịch vụ chăm sóc dược tại cơ sở bán lẻ thuốc (dược cộng đồng) theo quy định của Bộ Y tế.
Tại Điều 47 về Quyền và Trách nhiệm của cơ sở bán lẻ thuốc tại Nhà thuốc thì người phụ trách chuyên môn về dược của nhà thuốc được cung cấp các dịch vụ dược tại cộng đồng để đảm bảo mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả theo quy định của Bộ Y tế.
Về khái niệm hành nghề dược, theo TS.DS Nguyễn Thị Phương Thúy, hiện nay trong Luật Dược chưa được quy định đầy đủ, cũng cần chỉnh sửa bổ sung phù hợp. Theo đó, hành nghề dược là việc sử dụng trình độ chuyên môn của cá nhân để kinh doanh dược và cung cấp dịch vụ chăm sóc dược tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (dược lâm sàng) và cơ sở bán lẻ thuốc (dược cộng đồng).
Ngoài ra, TS.DS Nguyễn Thị Phương Thúy cũng đề nghị Chỉnh sửa điều 80 Luật Dược về hoạt động dược lâm sàng như bổ sung cụm từ “cơ sở khám chữa bệnh” vào các khoản 2 đến 7 Điều 80. Vì hoạt động dược lâm sàng ở cơ sở điều trị và trong nghị định 131/2021/NĐ-CP hiện nay cũng đề cập hoạt dược lâm sàng tại cơ sở khám chữa bệnh. Mặt khác, cần chuyển khoản 2 Điều 80 xuống phần Quyền và nghĩa vụ của Cơ sở bán lẻ thuốc tại Điều 47.
TS.DS Nguyễn Thị Phương Thúy cho rằng, cần bổ sung khái niệm về đánh giá kinh tế dược và đánh giá công nghệ y tế về dược. Theo đó, đề nghị bổ sung một khái niệm chung về đánh giá kinh tế dược và đánh giá công nghệ y tế về dược. Do đây là một hệ phương pháp luận khoa học mà các quốc gia đều phải thiết lập để xây dựng các gói quyền lợi đảm bảo y tế đặc biệt trong lĩnh vực dược, bao gồm khi xem xét phê duyệt thuốc, xây dựng danh mục Thuốc thiết yếu, mua sắm chiến lược và mua sắm tập trung thuốc như đàm phán giá cũng như việc đánh giá về chi phí hiệu quả - chi phí lợi ích của việc xây dựng danh mục thuốc của cơ sở khám bệnh chữa bệnh và lựa chọn thuốc điều trị. Tại Bộ Y tế hiện nay mới chỉ bắt đầu thực hiện với việc xây dựng danh mục thuốc chi trả bảo hiểm y tế nên phạm vi còn hẹp và chưa đủ khuôn khổ pháp lý.
Bên cạnh đó, cần bổ sung khái niệm vào Điều 2 giải thích từ ngữ (sau khoản 50 mà dự án Luật đã bổ sung) như sau: “Đánh giá kinh tế dược và đánh giá công nghệ y tế về dược là việc đánh giá các yếu tố lâm sàng, kinh tế, xã hội liên quan đến dược phẩm nhằm cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về dược, các cơ sở khám bệnh chữa bệnh và người hành nghề và bệnh nhân nhằm lựa chọn thuốc hợp lý nhất về chi phí và hiệu quả, lợi ích”./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83966