Đề xuất bổ sung 'Thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới' trong Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

 Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, thảo luận tại hội trường

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, thảo luận tại hội trường

Thảo luận tại Hội trường, phần lớn các đại biểu đồng thuận với sự cần thiến sửa đổi Luật này nhằm tạo khung khổ pháp lý kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế đã được xác định là "điểm nghẽn của điểm nghẽn".

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, đề nghị bổ sung thêm nội dung: "Thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới" vào Điều 37 của dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm lý giải: Thứ nhất, "Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp lụat" đã được quy định tại Luật Bình đẳng giới hiện hành (Điều 5, Điều 6, Điều 21, Điều 22, Điều 25, Điều 26).

Ủy ban Xã hội có trách nhiệm tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do cơ quan khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra để bảo đảm việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

Thứ hai, trong thời gian qua, các quy định này đã được thực hiện ổn định, nề nếp và hiệu quả. Thông qua hoạt động thẩm tra về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đã khiến nhiều dự án luật được thông qua như Luật Phòng thủ Dân sự, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Căn cước công dân, Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông… có thêm nhiều quy định mang tính nhân văn, công bằng, bảo vệ quyền con người.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết: Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới với 56 luật, Nghị quyết; nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tới nay đã có gần 40 luật, nghị quyết được thẩm tra, trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội cho tới quốc phòng, an ninh...

Qua hoạt động thẩm tra và ý kiến sau thẩm tra này đã góp phần đảm bảo việc thực hiện quyền con người, loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, đưa ra những quy định quan tâm tới các đặc điểm đặc thù của các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội để đưa ra những quy định và chính sách phù hợp, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội và mục tiêu phát triển bền vững.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Các kết quả này góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và các cam kết quốc tế của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận.

Theo đại biểu, tại Điều 37 của Dự thảo Luật sửa đổi cũng đã có quy định chung: Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc lĩnh vực do mình phụ trách... Tại Khoản 4, Điều 37 Dự thảo Luật về nội dung thẩm tra đã có nội dung bảo đảm bình đẳng giới. Quy định như dự thảo Luật là cần thiết nhưng chưa đủ, vì lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một hoạt động chuyên nghiệp mang tính kỹ thuật và phát huy rất tốt hiệu quả, cần được quy định trong luật.

Tương tự như vậy, quy định về hoạt động thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần thiết được thể hiện ngay trong nội dung về thẩm tra các dự thảo luật của Luật (sửa đổi). Điều này một mặt sẽ khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc bảo đảm bình đẳng giới đã được nêu tại Điều 5 về Nguyên tắc hoạt động và tổ chức của Chính phủ tại Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi. Mặt khác, sẽ tăng thêm trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội đối với hoạt động thẩm tra có ý nghĩa quan trọng này.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 9

Các đại biểu tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 9

Trước đó, ngày 12/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đối với các luật, pháp lệnh cần thực hiện quy trình chính sách gồm 4 bước cơ bản, trên cơ sở chính sách được thông qua thì sẽ tiến hành soạn thảo theo quy trình gồm 7 bước, trong đó đơn giản một số thủ tục hoặc một số loại hồ sơ, tài liệu. Với quy trình này, có thể rút ngắn thời gian ban hành luật có thể từ 22 xuống 10 tháng.

Dự thảo Luật tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật. Cụ thể, tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm soát quyền lực; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy. Theo đó, dự thảo Luật bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã; bổ sung 1 hình thức nghị quyết của Chính phủ; thay đổi từ quyết định sang thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước...

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-xuat-bo-sung-tham-tra-long-ghep-van-de-binh-dang-gioi-trong-du-thao-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-sua-doi-2025021317215314.htm