Kinh doanh online không còn 'dễ ăn': Thuế VAT 1% - 5%, thuế thu nhập cá nhân 0,5% - 2%

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) và nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Mục tiêu chính của Nghị định này là tăng cường hiệu quả thu ngân sách nhà nước từ các hoạt động kinh doanh trực tuyến, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng giữa kinh doanh truyền thống và TMĐT.

Việc áp dụng quy định mới sẽ đảm bảo rằng các hộ và cá nhân kinh doanh trên nền tảng TMĐT thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế như các loại hình kinh doanh khác, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trung gian, các sàn TMĐT và nền tảng số trong việc hỗ trợ cơ quan thuế quản lý chặt chẽ hơn.

Dự thảo cũng nhấn mạnh việc tận dụng công nghệ và dữ liệu của các sàn TMĐT để giám sát giao dịch trực tuyến, hạn chế tình trạng trốn thuế, đồng thời giúp hộ kinh doanh giảm bớt thủ tục hành chính, thực hiện nghĩa vụ thuế dễ dàng hơn.

Có 4 nhóm đối tượng chính chịu tác động của chính sách mới

Có 4 nhóm đối tượng chính chịu tác động của chính sách mới

Theo dự thảo, có bốn nhóm đối tượng chính chịu tác động của chính sách mới này. Nhóm thứ nhất là hộ và cá nhân kinh doanh trên nền tảng TMĐT, bao gồm cả cá nhân cư trú và không cư trú có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số. Nhóm thứ hai là các tổ chức quản lý sàn giao dịch TMĐT và các nền tảng số có chức năng thanh toán, thuộc diện phải khấu trừ và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh. Nhóm thứ ba là các nền tảng TMĐT không có chức năng thanh toán, không trực tiếp bị khấu trừ thuế nhưng vẫn nằm trong diện giám sát và quản lý. Cuối cùng là cơ quan thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai và thực hiện quy định mới.

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo là quy định về việc khấu trừ và nộp thuế thay. Theo đó, các tổ chức quản lý nền tảng TMĐT trong và ngoài nước sẽ có trách nhiệm khấu trừ thuế trước khi thanh toán cho hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng của mình.

Cụ thể, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu từng giao dịch. Thuế giá trị gia tăng sẽ áp dụng mức 1% đối với hàng hóa, 5% đối với dịch vụ và 3% đối với vận tải và các dịch vụ có gắn với hàng hóa.

Trong khi đó, thuế thu nhập cá nhân được quy định ở mức 0,5% đối với hàng hóa, 2% đối với dịch vụ, 1,5% đối với vận tải và dịch vụ có gắn với hàng hóa đối với cá nhân cư trú; còn đối với cá nhân không cư trú, tỷ lệ này lần lượt là 1%, 5% và 2%. Nếu không xác định được giao dịch thuộc loại hàng hóa hay dịch vụ, số thuế khấu trừ sẽ áp dụng mức cao nhất theo quy định để tránh thất thoát nguồn thu ngân sách.

Việc khấu trừ thuế sẽ được thực hiện ngay trước khi sàn TMĐT thanh toán tiền từ người mua cho hộ, cá nhân kinh doanh. Doanh thu tính thuế là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ mà sàn TMĐT thu hộ từ người mua.

Sau khi khấu trừ, các tổ chức quản lý nền tảng TMĐT sẽ thực hiện kê khai thuế theo tháng theo quy định của pháp luật. Đối với các tổ chức trong nước, họ sẽ được cấp mã số thuế 10 chữ số để kê khai và nộp thuế thay.

Đối với các nền tảng TMĐT nước ngoài có doanh thu phát sinh tại Việt Nam, họ cũng sẽ phải đăng ký mã số thuế theo quy định hiện hành để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hộ kinh doanh trong nước.

Việc siết chặt quản lý thuế đối với TMĐT không chỉ giúp tăng nguồn thu ngân sách mà còn đảm bảo công bằng trong kinh doanh. Trong khi các doanh nghiệp truyền thống phải tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ thuế, nhiều hộ kinh doanh cá nhân trên TMĐT vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm này.

Mhuong

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/kinh-doanh-online-khong-con-de-an-thue-vat-1-5-thue-thu-nhap-ca-nhan-05-2-136395.html