Đề xuất cắt điện, nước vì khó xử lý công trình vi phạm: Cần nhìn đa chiều

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc đưa quy định này vào luật vì vi phạm hiến pháp, quyền con người, quyền công dân.

Ngày 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã xem xét về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo luật do Chính phủ trình gồm bảy chương, 59 điều (tăng ba chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát và cụ thể hóa chín nhóm chính sách đã được cấp có thẩm quyền thông qua.

Đề xuất cắt điện, nước các công trình vi phm

Đáng chú ý, trong nhóm chính sách về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô (Chương 3 dự thảo luật), TP Hà Nội đề xuất “được phép cắt điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, PCCC ”(điểm b khoản 2 Điều 34 dự thảo luật). Đồng thời giao HĐND TP Hà Nội quy định cụ thể hành vi vi phạm trên cơ sở nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, PCCC và thủ tục áp dụng (khoản 3 Điều 34 dự thảo luật).

 Một công trình vi phạm xây dựng. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Một công trình vi phạm xây dựng. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Liên quan đến đề xuất này, vào đầu tháng 9-2023, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về đề xuất trên trước khi đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét.

Theo UBND TP Hà Nội, hiện việc xử lý vi phạm tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội gặp khó khăn. Quá trình xây dựng dự thảo luật, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc áp dụng biện pháp cắt điện, nước vì ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, can thiệp bất hợp lý vào quan hệ dân sự giữa các chủ thể. Việc này cũng ảnh hưởng đến đời sống của người không VPHC. Ví dụ cắt điện, nước tại nhà chung cư trong khi chủ thể vi phạm là chủ đầu tư, người dân lại có lợi ích liên quan.

Làm rõ mức độ vi phạm đến mức phải cắt điện, nước

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho hay có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng đề xuất này vi phạm và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân mà hiến pháp quy định khi họ đang sinh sống, lao động tại các công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh đó.

Khó xử lý công trình vi phạm

Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho lực lượng chức năng là do quy định hiện hành không cho phép cắt điện, nước khi chưa có quyết định cưỡng chế công trình vi phạm.

Thời gian qua, chúng tôi có xử lý một số công trình vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm đất rừng. Trong đó có công trình ba lần chúng tôi đưa phương tiện, máy móc đến chuẩn bị cưỡng chế nhưng không thực hiện được do họ đã khởi kiện và được tòa thụ lý. Sau đó công trình này được hoàn thiện nhưng chúng tôi không thể cắt điện, nước được.

Ông PHẠM QUANG NGỌC, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn

“Đây không phải là đối tượng hướng đến của việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm và sẽ gây ra những xáo trộn không cần thiết, ảnh hưởng đến việc bảo đảm trật tự trên địa bàn” - ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, trong quá trình thảo luận để sửa đổi một số điều của Luật Xử phạt VPHC năm 2020, QH đã thảo luận kỹ về nội dung này. Do đó, đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc quy định biện pháp này trong dự thảo luật khi chưa được kiểm nghiệm về tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn.

“Nếu vẫn quy định thì đề nghị làm rõ mức độ vi phạm, các trường hợp vi phạm có thể được áp dụng biện pháp này, tránh tùy tiện, lạm dụng trong áp dụng pháp luật” - chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết biện pháp cắt điện, nước đã từng được thảo luận và có ý kiến khác nhau khi xem xét Luật Xử lý VPHC.

“Khi QH bấm nút thông qua luật thì quyết định không quy định vì liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nghiên cứu thêm” - chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị.

Đã có đủ biện pháp chế tài hành vi vi phạm xây dựng

Biện pháp cắt điện, nước có thể xem là biện pháp cưỡng chế khắc phục hậu quả nhưng hiện Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) không quy định biện pháp cắt điện, nước là một trong các biện pháp cưỡng chế khắc phục hậu quả đối với hành vi VPHC.

Luật Xử lý VPHC đã cung cấp cho các biện pháp và hình thức rất đầy đủ cho các cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện việc xử phạt, cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả và ngăn chặn.

Người có thẩm quyền cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; ngay khi phát hiện ra hành vi vi phạm, phải thực hiện một cách nhanh chóng, quyết liệt, nghiêm minh không nể nang đối với việc cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi xây dựng trái phép. Đó là cái gốc để giải quyết triệt để vấn đề vi phạm này.

ThS NGUYỄN ĐỨC HIẾU, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Nguy cơ về những nguy hiểm khôn lường

Một trong những lợi ích chính của việc cắt điện, nước đối với công trình vi phạm là tạo ra áp lực pháp lý để xử lý các vụ vi phạm quy định xây dựng. Việc này giúp duy trì trật tự và kỷ luật xây dựng.

Tuy nhiên, cắt điện, nước cũng đối diện với nhiều vấn đề. Trước hết, nó ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người dân sống tại công trình vi phạm. Bên trong công trình đó không chỉ có chủ công trình mà còn những người vô can khác.

Việc áp dụng quy định này sẽ cắt nguồn dịch vụ thiết yếu của con người; gây căng thẳng trong cộng đồng, ảnh hưởng an ninh trật tự khu vực; có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của người dân, gây thiệt hại kinh tế không bù đắp được. Điều này cản trở quá trình phát triển đô thị và có thể dẫn đến các vụ kiện tụng phức tạp.

Ở góc độ pháp lý, chủ cơ sở ký hợp đồng với đơn vị cung cấp điện, nước với nhà cung cấp. Đây là một hợp đồng dân sự với các điều khoản thương mại rõ ràng. Nếu người mua không vi phạm nghĩa vụ hợp đồng dịch vụ cung cấp điện, nước thì họ được quyền sử dụng dịch vụ. Vì lẽ đó, việc bên thứ ba can thiệp vào việc thực hiện hợp đồng giữa hai bên là trái nguyên tắc về thương mại và dân sự.

Thử tưởng tượng khi một công trình không có điện, nước thì người bên trong công trình không thể sinh hoạt, không thể sản xuất, kinh doanh. Trường hợp nguy cấp như khi có hỏa hoạn thì không thể có điện để bơm nước, không có nước để dập lửa… Nhiều nguy hiểm khôn lường có nguy cơ xảy ra nên cần phải cân nhắc.

Để giải quyết vấn đề này, có thể xem xét việc áp dụng các biện pháp khác như tăng mức phạt về tài chính, các hình thức bổ sung là yêu cầu sửa chữa ngay lập tức; thậm chí có thể tùy mức độ vi phạm mà xem xét hình sự hóa chủ thể vi phạm.

Luật sư HOÀNG KIM MINH CHÂU, Đoàn Lut sư TP.HCM

TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-cat-dien-nuoc-vi-kho-xu-ly-cong-trinh-vi-pham-can-nhin-da-chieu-post754324.html