Đề xuất chấm điểm môn Ngữ văn mới gây phân vân cho giáo viên
So sánh đáp án đề xuất trong tập huấn với đáp án đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp 2025, người viết là giáo viên THPT thấy nhiều sự khác biệt.
Hiện nay, nhiều địa phương đã triển khai tập huấn nâng cao năng lực ôn tập thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 cho giáo viên đang dạy lớp 12.
Chương trình tập huấn có giới thiệu đề - đáp án minh họa (gọi chung là đề tập huấn) và được giới thiệu là mẫu được biên soạn theo hướng đánh giá năng lực học sinh.
Cấu trúc, định dạng đề khá quen thuộc nhưng đáp án và hướng dẫn chấm có đôi chỗ khác với đáp án của đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp 2025, khiến bản thân người viết là giáo viên Ngữ văn trung học phổ thông phân vân.
Cấu trúc, định dạng đề tập huấn quen thuộc nhằm đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh
Mỗi năm học, giáo viên dạy Ngữ văn thiết kế đến 4 đề kiểm tra định kỳ cho mỗi khối dạy. Lúc đầu, giáo viên còn khó khăn nhưng sau đó cũng quen với kiểu đề đánh giá năng lực.
Tuy chưa hoàn hảo, còn hạn chế do thời gian ít và công việc nhiều, nhưng giáo viên vẫn nắm chắc quy trình thiết kế đề và đáp án.
Một đề thi/ kiểm tra đánh giá năng lực học sinh phải đảm đúng cấu trúc, định dạng; ngữ liệu được chọn đảm bảo tiêu chí; hệ thống câu hỏi đọc hiểu và câu hỏi viết phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình.

Thứ nhất, ngữ liệu đọc hiểu trong đề tập huấn được chọn đảm bảo những tiêu chí về kiểu, thể loại văn bản; về dung lượng; về nội dung tư tưởng và nghệ thuật; về nguồn trích dẫn.
Theo đó, ngữ liệu lựa chọn trích trong truyện ngắn “Chảy đi sông ơi” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Ngữ liệu có độ dài gần 1.000 chữ, kể cả phần tóm tắt bối cảnh và phần lược, dung lượng không quá dài hay quá ngắn, phù hợp với thời gian làm bài của học sinh, đồng thời đoạn trích cũng chuyển tải trọn vẹn một nội dung dễ hiểu, tạo tâm thế tốt cho học sinh làm bài.
Nội dung văn bản kể về nhân vật “tôi”, tuổi thơ ở bến Cốc gắn với huyền thoại con trâu đen. Anh được chị Thắm tốt bụng cứu mạng khỏi chết đuối và anh tin vào huyền thoại đó, dù người khác không tin. Lớn lên, anh rời xa quê hương và quên đi quá khứ. Khi trưởng thành trở về, anh đau đớn khi biết chị Thắm đã chết đuối từ lâu. Anh nhận ra sự vô nghĩa của cuộc sống hiện tại và tiếc nuối quá khứ.
Nội dung văn bản này phù hợp với tâm lý học sinh, có tác dụng giáo dục về lòng nhân ái và sự cảm thông, phê phán sự thờ ơ, vô cảm hay lối sống thực dụng,...
Như vậy, văn bản có giá trị giáo dục cao, phù hợp với học sinh lớp 12.
Trong ngữ liệu, phần tóm tắt bối cảnh và phần lược ngắn gọn, được trình bày bằng kiểu chữ nghiêng và cỡ chữ nhỏ hơn so với văn bản. Đáng quan tâm, giữa văn bản ngữ liệu có một câu văn được in đậm nhằm tạo sự chú ý cho học sinh khi đọc văn bản và dễ dàng kết nối với câu hỏi đọc hiểu.
Phần ghi nguồn chính xác, tạo độ tin cậy cao đối với học sinh nói riêng, người đọc nói chung. Bởi văn bản văn học có tính dị bản nên có đôi chỗ khác nhau là chuyện bình thường, có thể do nhiều nguyên nhân.
Vì thế, phần ghi nguồn đúng cách, chính xác là biểu hiện của tính cẩn thận, tỉ mỉ của người ra đề và bảo đảm an toàn trước nghi ngại của người đọc.
Cách ghi nguồn trong đề tập huấn là “Nguồn: Chảy đi sông ơi (1985), trích từ sách Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Văn học & nhà sách Đông A, xuất bản lần thứ hai, 2021, tr.65 – 74”. Theo đó, tên tác phẩm được in nghiêng, cỡ chữ in nhỏ hơn chữ văn bản truyện để dễ dàng phân biệt với văn bản.
Câu dẫn trong đề sử dụng hình thức “Thực hiện các yêu cầu sau” nên trong 5 câu hỏi đọc hiểu, có 3 câu lệnh và 2 câu hỏi.
Thứ hai, hệ thống câu hỏi bám sát đặc trưng thể loại và yêu cầu cần đạt của Chương trình Ngữ văn 2018.
Để đánh giá được phẩm chất và năng lực của học sinh, khi thiết kế câu hỏi đọc hiểu trong đề thi/ kiểm tra, giáo viên cần tuân thủ một số nguyên tắc sau: Căn cứ vào đặc trưng loại/ thể loại/ kiểu của văn bản (văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin); Đáp ứng các yêu cầu về mức độ năng lực (biết, hiểu, vận dụng); Bám sát ngữ liệu, hỏi đúng (câu hỏi), trúng (vấn đề).
Hệ thống câu hỏi trong đề minh họa đảm bảo tường minh, mỗi câu hỏi chỉ có một ý, có câu hỏi kiểm tra năng lực, có câu hỏi kiểm tra phẩm chất nhưng tất cả đều hướng về đặc trưng thể loại truyện. Đề tập huấn có hệ thống câu hỏi rất tốt, đảm bảo những nguyên tắc:
Câu 1 yêu cầu “Chỉ ra 2 biện pháp tu từ trong câu: “Mày hãy tin tao, ở bến Cốc này thì chuyện giết người ăn cướp có thực, ngoại tình có thực, cờ bạc có thực, còn chuyện trâu đen là giả””. Câu hỏi ở mức độ “biết”.
Để tăng tính hình tượng, gợi cảm; tăng tính biểu đạt và cảm xúc; tạo nhạc điệu, nhịp điệu và mang phong cách của tác giả thì tác phẩm phải sử dụng biện pháp tu từ. Câu hỏi nhắc đến một đặc trưng của văn bản văn học.
Câu 2 yêu cầu “Xác định nhân vật trung tâm của câu chuyện”. Câu hỏi cũng ở mức độ “biết” này không làm khó học sinh.
Câu hỏi “nhân vật trung tâm” trong truyện ngắn là hỏi về đặc trưng nghệ thuật của truyện (nhưng không cần học sinh phân tích đặc điểm của nhân vật).
Bởi nhân vật trung tâm là tâm điểm của cốt truyện, thúc đẩy sự phát triển của câu chuyện, góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm, đồng thời cũng là hình tượng nghệ thuật điển hình.
Câu 3 yêu cầu “Lí giải vì sao trùm Thịnh và chị Thắm có cái nhìn khác nhau đối với truyền thuyết về con trâu đen”.
Câu hỏi này ở mức độ “hiểu”, không chỉ buộc học sinh phải hiểu nội dung truyện ngắn mà còn kiểm tra năng lực đọc hiểu sâu, khả năng phân tích tâm lý nhân vật và có tư duy so sánh mới trả lời được dạng câu hỏi này.
Câu 4 là một yêu cầu hỏi: “Câu nói của chị Thắm (in đậm trong đoạn trích), đưa lại cho anh/ chị nhận thức gì về những người đánh cá ở bến Cốc?”. Đây là một dạng của câu hỏi ở mức độ “hiểu”. Học sinh phải nhận diện được đặc điểm của nhân vật tự sự.
Bởi khi phân tích nhân vật tự sự, học sinh phải phân tích lời nói của nhân vật, hoặc lời nhận xét của nhân vật khác để hiểu tính cách, tâm lý, quan điểm, tư tưởng, tình cảm, thậm chí là lai lịch, xuất thân của nhân vật.
Từ lời thoại của nhân vật, học sinh có cơ sở để hiểu về nhân vật và hiểu về ý nghĩa, tư tưởng của tác phẩm.
Câu 5 là câu hỏi ở mức độ “vận dụng”: “Cái chết của chị Thắm trong phần kết truyện gợi cho anh/chị suy nghĩ gì? (Trình bày tối đa khoảng 5-7 dòng)”.
Câu hỏi khơi gợi trong học sinh suy nghĩ về một chi tiết ám ảnh trong câu chuyện, cũng có thể đó là một chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn. Câu hỏi dạng này quen thuộc, thường xuất hiện trong hệ thống câu hỏi hướng dẫn học sinh đọc hiểu tác phẩm tự sự trên lớp.
Câu hỏi này nghiêng về bồi dưỡng phẩm chất của người học hơn là kiểm tra năng lực. Bởi một trong những chức năng quan trọng của văn học là tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của người đọc, từ đó người đọc hiểu hơn về cuộc sống, con người và chính bản thân mình.
Có thể khẳng định, 5 câu hỏi phần đọc hiểu có thể kiểm tra, đánh giá được năng lực và phẩm chất của học sinh. Đồng thời, những câu hỏi này đều hướng về những đặc trưng của truyện ngắn.
Điều quan trọng là học sinh nắm được tri thức về thể loại truyện ngắn và nội dung đoạn trích “Chảy đi sông ơi” thì khả năng trả lời được 5 câu hỏi đọc hiểu là rất cao.
Thứ ba, câu hỏi đánh giá kỹ năng viết chuẩn mực, tường minh, không bị nhiễu.
Trước hết, câu hỏi viết đoạn văn (nghị luận văn học) yêu cầu như sau: “Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật “tôi” khi trở lại bến Cốc trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu”.
Vấn đề yêu cầu nghị luận có liên quan với ngữ liệu đọc hiểu nên khi làm bài, học sinh không được quên lãng, xa rời ngữ liệu đọc hiểu, cần xem ngữ liệu là cơ sở để khơi gợi nội dung viết.
Câu hỏi dạng này “dễ thở” hơn, bởi học sinh chỉ cần biết tổng hợp những đáp án của 5 câu hỏi đọc hiểu thì học sinh sẽ làm được bài tốt.
Nếu ở câu hỏi này, đề bài cho một ngữ liệu khác, có nguy cơ dẫn đến “quá tải” với học sinh trong trong một thời gian ngắn làm bài (khoảng 30 phút).
Học sinh phải mất thời gian để đọc ngữ liệu, ngẫm nghĩ, phân tích, tổng hợp mới viết được; trong khi câu hỏi liên quan với ngữ liệu đọc hiểu thì bỏ qua những bước trên.
Học sinh cần chú ý câu hỏi này chỉ yêu cầu học sinh viết về “diễn biến tâm lý” nhân vật (một đặc điểm của nhân vật) chứ không phải phân tích toàn diện nhân vật.
Tiếp theo, câu hỏi viết bài văn (nghị luận xã hội) yêu cầu như sau: “Dù đời sống đương đại có những biến chuyển đa chiều và phức tạp, có nhiều câu chuyện buồn đến đâu đi nữa, nhưng vẫn luôn còn những tấm lòng cao cả. Từ kết quả đọc hiểu trích đoạn trên kết hợp với trải nghiệm cá nhân, anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày những suy nghĩ của mình về “những tấm lòng cao cả” trong cuộc sống đời thường”.
Nội dung nghị luận của câu 2 cũng có liên quan với ngữ liệu đọc hiểu, đó là “những tấm lòng cao cả” trong cuộc sống đời thường.
Lời dẫn rất rõ ràng “Từ kết quả đọc hiểu trích đoạn trên kết hợp với trải nghiệm cá nhân” nên học sinh có thể bám sát vào ngữ liệu và kết hợp với trải nghiệm cá nhân để làm bài. Cũng có thể hiểu, đây là dạng bài nghị luận xã hội từ một vấn đề rút ra từ trong tác phẩm văn học. Một dạng bài có dạy cho học sinh trong chương trình trung học phổ thông.
Xét về kỹ thuật xây dựng câu hỏi viết, cả hai câu đều sử dụng các câu hỏi mở để phát huy khả năng tư duy sáng tạo của học sinh.
Tính mở của câu hỏi được thể hiện trên các phương diện: Nội dung không bó buộc vào một vấn đề cụ thể (phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật “tôi” khi trở lại bến Cốc; những suy nghĩ của mình về “những tấm lòng cao cả” trong cuộc sống đời thường); Đề bài không bắt buộc học sinh thực hiện thao tác lập luận bằng các mệnh lệnh như: Hãy giải thích, hãy chứng minh, hãy bình luận… mà cho các em được linh hoạt vận dụng các thao tác lập luận để làm sáng tỏ vấn đề.
Đáp án và yêu cầu chấm phần viết có khác so với đáp án minh họa tốt nghiệp trung học phổ thông
Đề thi/ kiểm tra đánh giá năng lực thì đáp án và yêu cầu chấm cũng phải thiết kế để đánh giá đúng năng lực học sinh. Đó là cơ sở để kiểm tra lại việc dạy học theo năng lực học sinh, theo Chương trình Ngữ văn 2018.
Mẫu đáp án và yêu cầu chấm trong đợt tập huấn lần này, ngoài đánh giá năng lực học sinh, theo người viết còn trả lại giá trị thật của bộ môn Ngữ văn. Đó là điều mà giáo viên mong mỏi nhiều năm nay. Tuy nhiên, điều khiến giáo viên trăn trở, lo lắng là không kịp rèn luyện trong một thời gian ngắn ngủi còn lại.

Trong đáp án đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp, cả hai câu viết đoạn/ bài văn đều cơ cấu thành 4 phương diện với 4 thành phần điểm tương đương, như sau: Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng đoạn/ bài văn (0,25/ 0,25); Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,25/ 0,5); Viết đoạn/ bài văn đảm bảo yêu cầu (1,0/ 2,5); Diễn đạt (0,25/ 0,25); Sáng tạo (0,25/ 0,5).
Theo đó, đáp án và hướng dẫn chấm trên cho thấy điểm kỹ năng/ nội dung lần lượt là 1,0/ 2,0 đối với đoạn văn; 1,5/ 4,0 điểm đối với bài văn. Như vậy, đáp án đề thi minh họa tốt nghiệp cũng đã đánh giá được năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học của học sinh.
Còn đáp án và hướng dẫn chấm đề xuất chỉ còn 3 phương diện cho cả câu viết đoạn và bài văn: Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng đoạn văn/ bài văn (0,25/ 0,25); Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,25/ 0,5); Viết đoạn văn/ bài văn đảm bảo yêu cầu (1,5/ 3,5).
Hai phương diện Diễn đạt và Sáng tạo không còn tách riêng mà gộp chung vào phương diện thứ 3. So sánh đáp án đề xuất trong tập huấn với đáp án đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp 2025 sẽ thấy có sự khác biệt.
Thứ nhất, giáo viên băn khoăn về yêu cầu dung lượng chữ trong đáp án. Theo đó, dung lượng của đoạn văn được “cộng trừ 100 chữ”, tức là học sinh được phép viết từ 100 chữ đến 300 chữ; tương tự như vậy, dung lượng của bài văn được “cộng trừ 200 chữ”, tức là học sinh được viết từ 400 đến 800 chữ.
Nếu như vậy thì bài làm của học sinh có một biên độ lệch quá lớn, dẫn đến gây khó khăn cho người chấm, thậm chí đánh giá thiếu công bằng.
Có thể đáp án yêu cầu học sinh viết từ 200 đến 300 chữ cho đoạn văn, 600 đến 800 chữ cho bài văn thì biên độ lệch không quá lớn; đồng thời cũng thống nhất với cách đặt câu lệnh trong phần đọc hiểu (trình bày khoảng 5 đến 7 dòng).
Thứ hai, giáo viên băn khoăn về điểm phần Diễn đạt của bài văn. Đáp án trong đề minh họa tốt nghiệp 2025 như sau: “Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản”, với điểm thiết kế là 0,25. Còn trong đáp án tập huấn như sau: “Trừ điểm mắc lỗi (diễn đạt lủng củng, sai chính tả, dùng từ và chấm câu sai, chữ viết cẩu thả): trừ 0,5 điểm nếu đoạn văn mắc từ 5-7 lỗi; mắc từ 8-10 lỗi trừ 0,75 điểm; mắc trên 10 lỗi không cho vượt quá nửa số điểm cả câu”.
Hướng dẫn chấm như trên nhằm đánh giá năng lực ngôn ngữ của học sinh. Đây là điều cần thiết để học sinh biết trân trọng, giữ gìn vẻ đẹp ngôn ngữ dân tộc, biết yêu tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ một cách thiết thực chứ không phải hô hào kiểu khẩu hiệu, phong trào.
Tuy nhiên, nếu đề xuất này được áp dụng ngay trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay thì quá đột ngột khiến nhiều học sinh bị sốc, bởi giáo viên và học sinh đã quen với đáp án thi/ kiểm tra nhiều năm nay.
Thêm vào đó, một thực trạng kéo dài là giáo dục đã quá tập trung vào kiến thức hàn lâm mà xem nhẹ việc phát triển kỹ năng. Sự thiên lệch này thể hiện rõ qua cách đánh giá, sửa bài của giáo viên và tư duy lệch lạc trong thời đại công nghệ số.
Tóm lại, môn Ngữ văn cần chú trọng kết hợp giữa việc cung cấp kiến thức văn học và rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ, trình bày văn bản (bao gồm ngữ âm, ngữ nghĩa, bố cục, hình thức trình bày).
Dù các đề xuất về đáp án và hướng dẫn chấm mới đây mang mục tiêu trả lại giá trị thực cho môn học nhưng vẫn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh bất ngờ.
Điều quan trọng là phải có một lộ trình điều chỉnh cụ thể và áp dụng đồng bộ từ cấp tiểu học lên đến trung học phổ thông, nhằm đảm bảo việc đánh giá năng lực học sinh được chính xác và toàn diện.