'Mở khóa' tư duy về khởi nghiệp

Nguyên nhân chính khiến chất lượng giáo dục khởi nghiệp còn hạn chế là do các trường đang thiếu nguồn lực...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giáo dục khởi nghiệp để trang bị cho sinh viên thông tin, kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm nhằm tạo tiền đề thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng khởi nghiệp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các trường đại học trong bối cảnh quốc gia khởi nghiệp.

Đến nay, 100% cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Nội dung khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo tại 58% trường đại học, ở dạng môn học bắt buộc hoặc tự chọn (tối thiểu 2 tín chỉ). Khoảng 90% học sinh THPT, sinh viên đại học, cao đẳng được trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.

Những con số trên cho thấy giáo dục khởi nghiệp đã khởi sắc, phủ sóng ở các trường đại học. Tuy vậy, theo đánh giá chung, chất lượng giảng dạy và hiệu quả giáo dục ở lĩnh vực này chưa đạt kỳ vọng.

Nguyên nhân chính khiến chất lượng giáo dục khởi nghiệp còn hạn chế là do các trường đang thiếu nguồn lực, trong đó nan giải nhất là đội ngũ giảng viên chưa đủ mạnh. Thực tế cho thấy, giảng viên có kinh nghiệm kinh doanh hoặc từng khởi nghiệp thường mang đến những bài học quý báu cho người học.

Sinh viên có động lực học tập cao hơn khi được học từ những giảng viên có kiến thức sâu rộng và khả năng truyền đạt tốt. Trong khi đó, hiện đa số trường thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu trong đào tạo khởi nghiệp, ít người có kinh nghiệm về khởi nghiệp hoặc tham gia các hoạt động bên ngoài doanh nghiệp.

Thời gian qua, nhiều trường đại học đã quan tâm hợp tác với các hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ… để tập huấn giảng viên nguồn giảng dạy chương trình khởi nghiệp, song những buổi học ngắn ngày này chưa đủ sức tạo nên “hồn vía” cho một giảng viên khởi nghiệp mà sinh viên mong đợi.

Trong khi giảng viên cơ hữu trong nhà trường còn yếu về năng lực, thực tiễn khởi nghiệp thì việc mời giảng viên là doanh nhân đến tham gia giảng dạy lại gặp không ít rào cản về bằng cấp. Theo quy định, giảng viên thỉnh giảng phải có bằng thạc sĩ khi giảng dạy trình độ đại học và bằng tiến sĩ khi giảng dạy ở bậc sau đại học.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nhân có kinh nghiệm thực tiễn phong phú từ các doanh nghiệp, những người có thể cung cấp kiến thức thực tế quý giá cho sinh viên đa phần không đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp học thuật tương ứng. Điều này tạo ra khó khăn trong việc tận dụng nguồn lực tri thức từ các doanh nghiệp để đưa vào giảng dạy, làm giảm tính thực tiễn của chương trình đào tạo, khó truyền được “lửa” khởi nghiệp cho sinh viên.

Tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng giảng dạy khởi nghiệp trong trường đại học. Trong bối cảnh giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng còn tồn tại những thế khó, trước mắt cần tạo ra một mô hình cho phép phối hợp lợi thế của hai nhóm này để bù đắp khiếm khuyết mỗi bên.

Để thực hiện điều này bên cạnh sự linh hoạt của các trường trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên tiếp nhận thêm nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vẫn cần tới sự điều chỉnh chính sách về tiêu chuẩn giảng viên thỉnh giảng là doanh nhân từ cấp quản lý.

Về lâu dài, cùng với nghiên cứu phát triển các chương trình đào tạo về khởi nghiệp ở bậc sau đại học, cần khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học thành lập và quản lý doanh nghiệp (Nghị quyết 57/NQ-TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Dự thảo Luật Nhà giáo, Dự thảo Luật Khoa học Công nghệ và đổi mới sáng tạo… đã đề cập). Khi giảng viên có điều kiện “nhúng” vào thực tiễn khởi nghiệp, quản lý doanh nghiệp nhiều hơn, việc giảng dạy và truyền lửa cho sinh viên chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.

Mai Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mo-khoa-tu-duy-ve-khoi-nghiep-post728306.html