Đề xuất chấm dứt dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam vì không thể vận hành

Tổng công ty Giấy Việt Nam vừa đề xuất phương án chấm dứt dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An, để tiến hành xử lý tài sản. Nhà máy này có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng, đã không thể vận hành sau khi chạy thử từ năm 2014.Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được Thủ tướng cho phép Công ty Đầu tư phát triển Giao thông Vận tải (Tracodi) làm chủ đầu tư vào tháng 10-2003 với số vốn hơn 1.487 tỉ đồng, quy mô 100.000 tấn bột giấy/năm.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo các Bộ, ngành khảo sát Dự án Nhà máy bộ giấy Phương Nam hồi tháng 3-2023. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo các Bộ, ngành khảo sát Dự án Nhà máy bộ giấy Phương Nam hồi tháng 3-2023. Ảnh: TTXVN

TTXVN dẫn thông tin từ Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), cho biết chủ đầu tư dự án đề xuất phương án chấm dứt dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam để tiến hành xử lý tài sản gắn liền với đất và không gắn liền với đất. Đất đai của dự án sẽ chuyển giao lại cho UBND tỉnh Long An để thực hiện sử dụng đất vào mục đích khác theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt.

Do phương án xử lý này gây mất vốn Nhà nước nên cần tập trung xem xét, đánh giá, xử lý kỹ lưỡng. Hiện Bộ Công Thương xin lùi thời hạn báo cáo với lãnh đạo Chính phủ đến ngày 21-4 so với thời hạn ban đầu là 15-4 vừa qua.

TTXVN cho biết, cuối tháng Ba vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ ngàn tỉ đồng đã khảo sát thực tế dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Đây là dự án khó xử lý nhất trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, đã dừng từ năm 2014 nhưng chưa xử lý được nên gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương đề xuất phương án cuối cùng xử lý dứt điểm dự án trước ngày 15-4. Trong đó, cơ quan này phải làm rõ các giải pháp về kỹ thuật, tài chính, phân định rõ giữa tài sản và đất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm với nhà máy này.

Tháng 11-2007, Tracodi điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 2.300 tỉ đồng. Do chủ đầu tư gặp khó khăn, tháng 6-2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển giao chủ đầu tư dự án từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). Tổng số vốn Tracodi đã đầu tư vào dự án hơn 2.000 tỉ đồng.

Tháng 6-2012, Vinapaco cơ bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử không tải. Tuy nhiên, quá trình chạy thử có tải không thành công. Vinapaco tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 3.410 tỉ đồng và tìm các phương án đưa dự án vào hoạt động nhưng nhà máy không vận hành được.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương về việc dừng đầu tư dự án, đồng thời giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng phương án xử lý đối với dự án như thanh lý, nhượng bán… Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

N.Tân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-xuat-cham-dut-du-an-nha-may-bot-giay-phuong-nam-vi-khong-the-van-hanh/