Triển khai mạnh mẽ Đề án 06 để giải quyết, số hóa thủ tục hành chính

Trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai và ứng dụng mạnh mẽ Đề án 06 của Chính phủ cùng quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo thành phố, đến nay, TP Hà Nội đã có hệ thống giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đảm bảo đáp ứng yêu cầu xử lý công việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tăng cường số hóa từ hệ thống giải quyết thủ tục hành chính

Trước năm 2021, TP Hà Nội chưa có hệ thống giải quyết TTHC. Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống giải quyết TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, triển khai mạnh mẽ Đề án 06 của Chính phủ và ứng dụng VNeID, đồng thời với quyết tâm chính trị cao, TP Hà Nội đã xây dựng quy trình nghiệp vụ phục vụ việc xây dựng hệ thống.

Đến thời điểm tháng 4/2023, TP Hà Nội đã hoàn thành việc thuê hệ thống tin giải quyết TTHC bảo đảm đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến thời điểm tháng 6/2024, tổng số dịch vụ công đã được khai báo trên hệ thống là 1.191 thủ tục, trong đó có 318 dịch vụ công toàn trình, 873 dịch vụ công một phần. Số TTHC kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia là 1.911 thủ tục. Trung bình một ngày có 1.000 hồ sơ lý lịch tư pháp được nộp qua VNeID. Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác phân cấp, ủy quyền với hơn 600 TTHC được thực hiện ủy quyền từ thành phố về các sở, ngành, từ các sở, ngành về cho UBND các quận, huyện, thị xã và UBND cấp xã. Thời gian ủy quyền tiếp tục đến hết năm 2025.

TP Hà Nội đã chủ động trong việc thực hiện rà soát, tái cấu trúc và đặc biệt xác định danh mục thành phần hồ sơ phải số hóa tại bộ phận một cửa các cấp. Việc này cũng góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “tái sử dụng thành phần hồ sơ đã có và không yêu cầu công dân cung cấp lại thành phần hồ sơ đã số hóa” trong giải quyết TTHC. Theo quy định, các bộ, ngành sẽ phải thực hiện việc xác định các thành phần hồ sơ số hóa để thực hiện tại bộ phận một cửa, cũng như xác định thành phần đưa vào số hóa để hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phục vụ mục tiêu tái sử dụng. Tuy nhiên, theo đánh giá của TP Hà Nội, công tác này tới nay còn chậm.

Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP Hà Nội đã chủ động giao trách nhiệm các sở, ngành căn cứ nhu cầu thực tiễn, quy định liên quan để tham mưu UBND TP ban hành danh mục thành phần hồ sơ thực hiện số hóa, đảm bảo việc thực hiện kịp thời, nhanh chóng và đặc biệt không lãng phí, không số hóa tràn lan gây ảnh hưởng hiệu suất lao động, chi phí lưu trữ tại các hệ thống.

Tới nay, TP Hà Nội đã ban hành 15 quyết định phê duyệt danh mục thành phần hồ sơ số hóa của 15 ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 11,4%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng 21,8% và tiếp tục tăng qua từng ngày. Những kết quả trên có được từ nền tảng vững chắc của ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06 của Chính phủ cũng như VNeID.

Ứng dụng Đề án 06/CP tại các điểm trông giữ xe ở Hà Nội.

Ứng dụng Đề án 06/CP tại các điểm trông giữ xe ở Hà Nội.

Minh bạch góp phần phòng, chống tiêu cực

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở những mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong Đề án 06 của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã đăng ký với cơ quan thường trực Tổ công tác phối hợp, triển khai thí điểm tại quận Tây Hồ với 2 bãi trông giữ xe trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Thành phố được Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện và đã ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 17/4/2024 về việc triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt trên địa bàn.

Với thời gian thí điểm triển khai từ 15/4 đến hết 30/7 trên cơ sở mục tiêu, giải pháp và nguyên tắc thực hiện của thành phố yêu cầu gồm “2 không – 1 có”, đó là “Thanh toán không dừng - Thanh toán không tiền mặt” và “Có hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế”. Nguyên tắc này được quán triệt và yêu cầu tất cả các đơn vị thực hiện cung ứng dịch vụ khi triển khai phải đảm bảo và thực hiện. Tính đến 20/6 (sau 2 tháng triển khai), có 64 điểm trông giữ xe triển khai giải pháp thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố thuộc 9/30 quận, huyện, tăng 54 điểm và 7 quận, huyện so với thời điểm trước đó. Tỷ lệ phương tiện thực hiện thanh toán không tiền mặt trung bình đạt hơn 90%/tổng số phương tiện tại các điểm trông giữ xe.

Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội cho biết, định hướng thực hiện quy hoạch đô thị, hạ tầng giao thông được TP Hà Nội xác định nguyên tắc chỉ cấp phép mới các bãi /điểm trông giữ xe đáp ứng yêu cầu công nghệ thanh toán số; gia hạn cấp phép với các bãi/điểm trông giữ đáp ứng yêu cầu công nghệ thanh toán số, đồng thời yêu cầu lập lại trật tự đô thị trong công tác cấp phép, quy hoạch điểm đỗ, bãi đỗ xe.

Việc ứng dụng công nghệ, thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ xe đã đảm bảo được những yếu tố liên quan đến trật tự đô thị, văn minh, ANTT. Vấn nạn trông giữ xe quá giá, không tìm được điểm đỗ, bãi đỗ hay tình trạng “bảo kê” điểm đỗ được giải quyết bằng chính giải pháp công nghệ; đồng thời đảm bảo công tác chống thất thu thuế, thất thu lợi nhuận cho chính doanh nghiệp, chủ đầu tư. Sau thời gian ngắn triển khai, hiệu quả đạt được “3 tăng và 3 giảm”, đó là: “Tăng chất lượng dịch vụ, tăng tính minh bạch, công khai hoạt động thu phí, tăng niềm tin của người dân; 3 giảm là: giảm thời gian, thủ tục hành chính, nhân lực”. Ước tính việc tiết kiệm (do thất thu) cho người dân khoảng 10,2 tỷ đồng/năm và giảm chi ngân sách cho các doanh nghiệp trông giữ phương tiện khoảng hơn 4,2 tỷ/năm/64 điểm trông giữ.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/trien-khai-manh-me-de-an-06-de-giai-quyet-so-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-i736711/