Đề xuất chế độ, chính sách dân tộc sau sắp xếp đơn vị hành chính

Sự thay đổi sau sắp xếp bộ máy hành chính có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chế độ, chính sách dân tộc tại địa phương.

Theo bà Vũ Thu Hương - Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thanh Hóa, sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính sẽ xảy ra 3 trường hợp.

Đó là: các tỉnh, xã đang thụ hưởng chế độ, chính sách dân tộc thay đổi tên gọi; sáp nhập địa giới hành chính của các tỉnh, xã đang thụ hưởng chế độ, chính sách dân tộc với nhau; sáp nhập tỉnh, xã đang hưởng chế độ, chính sách dân tộc với tỉnh, xã không hưởng chế độ, chính sách dân tộc.

“Đối với việc thực hiện chế độ, chính sách dân tộc, quy mô thay đổi, tiêu chí thay đổi có thể khiến địa phương lúng túng trong thực hiện cũng như xác định ngân sách phân bổ cho tỉnh, xã hình thành sau sắp xếp. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số chính sách về y tế, giáo dục đào tạo, việc làm, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức… tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” - bà Hương nhận định.

Sự thay đổi sau sắp xếp lại bộ máy hành chính sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chế độ, chính sách dân tộc tại địa phương nên cần sớm có hướng dẫn. Ảnh: Bình Minh

Sự thay đổi sau sắp xếp lại bộ máy hành chính sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chế độ, chính sách dân tộc tại địa phương nên cần sớm có hướng dẫn. Ảnh: Bình Minh

Đề xuất hướng thực hiện với các tỉnh, xã sau sắp xếp, sáp nhập

Để đảm bảo quyền lợi của người dân thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là người nghèo, không bị gián đoạn và bị ảnh hưởng, Sở Dân tộc và Tôn giáo Thanh Hóa nêu một số đề xuất.

Cụ thể, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, Sở đề nghị Trung ương không cắt giảm ngay các chế độ, chính sách dân tộc đang thụ hưởng mà cho địa phương tiếp tục thực hiện đến hết năm 2025, hoặc theo thời hạn của cấp có thẩm quyền.

Các tỉnh, xã thay đổi tên gọi: sử dụng ngay tên gọi mới để thực hiện các chế độ, chính sách dân tộc như trước khi sắp xếp.

Với các tỉnh, xã cùng thuộc diện thụ hưởng chế độ, chính sách dân tộc được sáp nhập với nhau: tiếp tục thực hiện như trước thời điểm sắp xếp cho đến khi có văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hết thời hạn của chế độ, chính sách. Ngân sách phân bổ cho tỉnh, xã hình thành sau sắp xếp được tính trên cơ sở cộng gộp định suất của các tỉnh, xã trước khi sắp xếp.

Với trường hợp sáp nhập tỉnh, xã đang hưởng chế độ, chính sách dân tộc với tỉnh, xã không được hưởng: khu vực đang hưởng chế độ, chính sách tiếp tục được thực hiện đến khi có văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hết thời hạn của chế độ, chính sách.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định tỉnh, xã hình thành sau sáp nhập không đủ điều kiện hưởng chế độ, chính sách dân tộc: khu vực đang hưởng chế độ, chính sách trước sáp nhập tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn của chế độ, chính sách.

Đối với trường hợp sắp xếp, điều chỉnh một phần địa giới hành chính của tỉnh, xã để sáp nhập với tỉnh, xã khác: căn cứ nguồn vốn đã phân bổ, tỷ lệ dân số, diện tích tự nhiên của tỉnh, xã phải điều chỉnh, giao cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh phân bổ ngân sách cho xã, tỉnh sau sắp xếp.

Đề xuất hướng thực hiện với các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Về chế độ, chính sách đối với đơn vị hành chính cấp xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sở Dân tộc và Tôn giáo Thanh Hóa cũng đề nghị Trung ương cho tiếp tục thực hiện đến hết năm 2025 hoặc theo thời hạn của cấp có thẩm quyền.

Theo Sở này, các bộ, ngành cần kịp thời có hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, Sở kiến nghị khi thực hiện sắp xếp xã, thôn có sự thay đổi về tên nhưng không có tác động, ảnh hưởng đến quy mô diện tích, ranh giới của xã, thôn thì sử dụng tên gọi mới để thực hiện các chế độ, chính sách như trước khi sắp xếp.

Khi sắp xếp đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn có sự tác động, ảnh hưởng đến quy mô diện tích, ranh giới xã, phường, thị trấn thì thực hiện theo hướng sau: các xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cùng khu vực sáp nhập với nhau, thì xã, phường, thị trấn sau sáp nhập áp dụng các chế độ, chính sách như trước khi sáp nhập.

Xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng không cùng khu vực sáp nhập với nhau hoặc xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sáp nhập với xã, phường, thị trấn không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì sau sáp nhập áp dụng các chế độ, chính sách như trước khi sắp xếp cho đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, bà Vũ Thu Hương cũng lưu ý 2025 là năm kết thúc các chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2025 nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) giai đoạn I nói riêng. Vì vậy, để có cơ sở thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2026-2030 nói chung và Chương trình 1719 giai đoạn II nói riêng, Bộ Dân tộc và Tôn giáo cần sớm xây dựng tiêu chí và hướng dẫn để các địa phương rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trên cơ sở các tiêu chí về: diện tích, dân số, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ thiếu hụt điều kiện về cơ sở hạ tầng thiết yếu… để sớm thực hiện ngay sau khi sắp xếp xong đơn vị hành chính tỉnh, xã.

Triển khai Chương trình 1719 với tổng vốn 2,2 tỷ đồng do Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ, tới nay, Thanh Hóa đã giải ngân được hơn 1,5 tỷ đồng (khoảng 943 triệu đồng vốn đầu tư, gần 626 triệu đồng vốn sự nghiệp), đạt 82%.

Dự kiến hết năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành 20/23 chỉ tiêu được Trung ương giao. Còn 3 chỉ tiêu dự kiến khó đạt gồm: số xã thoát vùng III, đặc biệt khó khăn (mục tiêu là 10 xã, đến nay mới có 3 xã gồm Bình Sơn - huyện Triệu Sơn, Xuân Thái - huyện Như Thanh, Mường Chanh - huyện Mường Lát); Số thôn, bản thoát diện đặc biệt khó khăn (mục tiêu là 159 thôn); thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi (mục tiêu là 66,2 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2024 mới đạt 44,39 triệu đồng/người/năm).

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-che-do-chinh-sach-dan-toc-nen-thuc-hien-ra-sao-2390596.html