Đề xuất chi gần 20 tỉ đồng để xây dựng 1 bộ luật: Đại biểu Quốc hội nói 'con số quá lớn'

Góp ý vào Nghị quyết cho phép khoán chi trong hoạt động xây dựng pháp luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) bày tỏ sự băn khoăn về tính hợp lý, công bằng và hiệu quả của mức chi được đề xuất.

Chiều 15-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Phát biểu tại tại tổ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đã đóng góp ý kiến về cơ chế khoán chi cho một số nhiệm vụ đặc biệt, trong đó có hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được dự thảo Nghị quyết đưa ra.

Theo đại biểu Thủy, mức khoán được đưa ra kèm phụ lục văn bản và tỷ lệ phân chia giữa xây dựng, thẩm tra có điều chỉnh so với trước.

“Tôi phải ngồi đếm đi đếm lại, sau một hồi và nghe giải thích của Bộ Tư pháp thì thấy mình cũng không tính sai. Tuy nhiên thấy con số nó to quá,” đại biểu nói.

Cụ thể, theo đại biểu Thủy, nếu xây dựng một bộ luật mới thay thế luật hiện hành thì tổng mức chi cho đến khi thông qua dự kiến lên tới 20 tỉ đồng. Đối với dự án luật là 18 tỉ đồng, còn với luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quyền con người, quyền công dân thì mức chi là 9 tỉ đồng.

“Con số thực sự rất lớn”, bà Thủy nhấn mạnh.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội).

Là người đã công tác trong lĩnh vực xây dựng pháp luật gần 30 năm, bà Thủy chia sẻ: “Có luật tôi chỉ tham gia thẩm tra, nhưng cũng có những luật chúng tôi trực tiếp xây dựng, ví dụ như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử… Cả quá trình chi cho các hoạt động thì chưa bao giờ được lên đến tiền tỉ chứ chưa nói đến mấy chục tỉ như thế này”.

Bà cho rằng hiện chưa rõ căn cứ, cơ sở nào để xác định mức chi lớn đến vậy, nhất là khi đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật hiện đã được ngân sách nhà nước trả lương và có hưởng các chế độ hỗ trợ, ưu đãi.

“Bây giờ chúng ta làm những việc như thế này nữa, thành ra lại được hưởng thêm một lần nữa, thì có phải là trùng chi hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Theo bà Thủy, tờ trình của Chính phủ đang có xu hướng so sánh việc xây dựng pháp luật như các dự án đầu tư công, ví dụ như làm một km cao tốc thì tốn bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, bà cho rằng “làm đường thì khác”, vì có chi phí vật tư, giải phóng mặt bằng, còn đối với công tác pháp luật, mặc dù phụ lục 2 có liệt kê những hoạt động được tính để thực hiện khoán chi, thì nhiều hoạt động vẫn chưa rõ ràng.

“Ở đây có những việc chúng ta có thể khoán để hỗ trợ, khuyến khích anh em làm tốt hơn. Nhưng có những việc, kể cả như tổ chức hội nghị, hội thảo, thuê chuyên gia, nếu chúng ta đưa ra một mức khoán thì có chắc các cơ quan sẽ thuê chuyên gia hay không, hay là người ta lại tự chia nhau, vì khoán mà?”, bà đặt vấn đề.

Từ đó, bà Thủy cho rằng cần có cơ chế kiểm soát để đảm bảo việc chi là phù hợp, tạo hiệu quả, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật.

Ngoài yếu tố tài chính, ĐBQH đến từ Hà Nội lưu ý còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng văn bản. “Ví dụ chúng ta đưa định mức chi cao như thế này, nhưng làm một cái luật trong một tháng, hoặc mấy nghị quyết trong một tuần… thì có cần thiết phải chi nhiều như thế không, có tốn nhiều như thế không, hoặc chất lượng nó có thay đổi hơn không?”, bà đặt vấn đề.

Bà cũng chia sẻ: “Anh em làm luật đúng là cũng vất vả thật, so với ngành nghề kinh tế khác thì cũng không bằng về chế độ chính sách. Thế nhưng không phải vì tiền mà chúng ta làm việc đấy. Làm chính sách trước hết là thể hiện tinh thần trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thứ hai cũng là thể hiện nhiệt huyết, đam mê muốn cống hiến, đóng góp”.

Theo bà, hỗ trợ tài chính để anh em yên tâm công tác là cần thiết, nhưng không chỉ riêng người làm công tác xây dựng hay thi hành pháp luật, mà cán bộ, công chức nói chung đều cần được quan tâm chế độ, chính sách.

“Chúng ta tạo ra một chế độ quá đặc biệt đối với nhóm đối tượng này trong khi bỏ quên nhóm khác thì có thể tạo ra sự tâm tư ngay trong nội bộ cán bộ, công chức ở các cơ quan đơn vị. Trong cùng một cơ quan, đơn vị này được hưởng chế độ, đơn vị khác không được hưởng thì sẽ ảnh hưởng đến công tác phối hợp,” bà nhấn mạnh.

“Có chế độ thì tốt, nhưng chế độ phải phù hợp, hợp lý và chứng tỏ được hiệu quả khi áp dụng. Như Bác Hồ đã nói, chúng ta không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không có thì không sao, nhưng mà có rồi, có khi lại không tốt bằng lúc trước,” bà Thủy kết luận.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/de-xuat-chi-gan-20-ti-dong-de-xay-dung-1-bo-luat-dai-bieu-quoc-hoi-noi-con-so-qua-lon-post849939.html