Đề xuất chỉnh hướng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ đi dọc đường vành đai 3
Việc xây dựng đường sắt TPHCM - Cần Thơ đi dọc theo tuyến vành đai 3 được cho là sẽ giảm chi phí giải phóng mặt bằng và hình thành tuyến đường sắt vòng cung xung quanh TPHCM, giúp vận chuyển hàng hóa về các cảng trung chuyển...
Ngày 12/4, Viện Nghiên cứu vùng và đô thị (Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM) tổ chức hội thảo với chủ đề “Ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ, đoạn trên địa bàn TPHCM và Bình Dương”.
PGS.TS Nguyễn Văn Trình - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị cho biết, theo quy hoạch đã được phê duyệt, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ sẽ được xây dựng dọc theo tuyến đường vành đai 2 ở TPHCM.
Tuy nhiên, với hướng tuyến này hiện nay trên địa bàn TPHCM và tỉnh Bình Dương, dự án này sẽ gặp một số bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức giao thông và phát triển đô thị. Do đó, Viện Nghiên cứu vùng và đô thị đã nghiên cứu và đề xuất ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ (đoạn trên địa bàn TPHCM và tỉnh Bình Dương) đi dọc tuyến đường vành đai 3 TPHCM.
“Điều chỉnh hướng tuyến đi dọc vành đai 3 sẽ giúp giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Đường sắt đi dọc vành đai 3 sẽ hình thành tuyến đường sắt vòng cung, giúp vận chuyển hàng hóa về các cảng trung chuyển, giảm chi phí và giảm áp lực cho đường bộ. Đồng thời, tạo điều kiện tổ chức tốt việc kết hợp giao thông đường bộ - giao thông đường sắt và tạo điều kiện phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển của hệ thống giao thông công cộng)". PGS.TS Nguyễn Văn Trình phân tích.
Theo TS.Trịnh Văn Chính - Đại học GTVT TPHCM, dựa trên kết quả nghiên cứu, các chuyên gia thống nhất phương án kết hợp gần như hoàn toàn đường sắt TPHCM - Cần Thơ vào một phần bên trái đường vành đai 3 TPHCM.
Cụ thể, từ điểm đầu tuyến tại Ga An Bình (Bình Dương) tuyến đi theo hành lang đã quy hoạch về phía Bắc đến Ga Dĩ An và Ga Bình Chuẩn, sau đó rẽ trái và đi theo vành đai 3 về phía Nam, đến vị trí gần cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ đi tiếp tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hành lang đã được quy hoạch trước đây.
Theo phương án này, lộ giới đường vành đai 3 cần giải phóng mặt bằng thêm khoảng 20 m.
Phương án này sẽ tạo tiềm năng phát triển các đô thị mới và tạo được vành đai đường sắt kết hợp đường bộ cho khu vực TPHCM. Đồng thời, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị như metro số 3, số 4.
TS. Phạm Hoài Chung - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho biết, đường sắt TPHCM - Cần Thơ là tuyến đường sắt rất quan trọng kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Đây là một dự án có quy mô và tính chất kỹ thuật rất phức tạp đi qua nhiều vùng địa chất khác nhau.
Nhận định về ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến như trên, ông Chung cho rằng đây là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, cần nghiên cứu về tính pháp lý và quy hoạch cụ thể của vùng và địa phương. Ngoài ra, cần đánh giá tác động của dự án đối với xã hội, phân tích các lợi ích, ưu nhược điểm so với phương án đã được phê duyệt trước đây.
“Nếu chuyển đường sắt ra xa trung tâm thì cơ cấu vận chuyển cũng thay đổi. Cần có sự so sánh với phương án đã phê duyệt trước đây. Trong đó, nếu phương án khả thi tiệm cận đô thị trong vành đai 2 thì sẽ kết nối vận tải hành khách tốt hơn, còn nếu phương án đưa đường sắt ra vành đai 3 thì sẽ vận tải hàng hóa khả thi hơn. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc về tính kết nối, nếu điều chỉnh hướng tuyến ra vành đai 3 thì có kết nối được với đường sắt cao tốc Nha Trang - TPHCM và tuyến đường sắt Bắc - Nam cũ hay không..?” - ông Chung nêu ý kiến.