Đề xuất cho tối đa 99 nhà đầu tư tham gia vào Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Trên cơ sở đánh giá quy mô thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo có từ 2 đến tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (DNNVV).

Vốn góp tối thiểu thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là hai trăm triệu đồng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 38/2018/NĐ-CP cho thấy một số quy định còn bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng cũng như kỳ vọng của cộng đồng quỹ đầu tư, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo.

Cụ thể là quy định “Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp khác”.

Trong quá trình tổng hợp góp ý, cộng đồng các quỹ đầu tư cho rằng việc quy định hạn chế tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn làm giảm sự hấp dẫn của các quỹ đầu tư, gây khó khăn trong huy động vốn. Đồng thời, làm giảm tính thanh khoản của các khoản đầu tư vào quỹ.

Do đó, các quỹ đầu tư đề xuất nâng tổng số các nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ lên trên 30 nhà đầu tư, có thể xem xét quy định tối đa lên tới 99 nhà đầu tư nhằm tiệm cận quy định về số lượng nhà đầu tư tối đa với quỹ đầu tư thành viên hoạt động theo Luật Chứng khoán.

Trên cơ sở đánh giá quy mô thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc tăng số lượng nhà đầu tư góp vốn tối đa lên 99 cần được cân nhắc kỹ lưỡng để giảm rủi ro cho thị trường.

Nguyên nhân là các nhà quản lý quỹ có thể lợi dụng chính sách, huy động tiền từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là hình thức huy động cam kết lợi nhuận để đầu tư vào các dự án khởi nghiệp sáng tạo, mô hình kinh doanh rủi ro.

Ngoài ra, thực tế xuất hiện tình trạng một số quỹ đầu tư có số vốn góp từ một nhà đầu tư duy nhất hay số góp quá nhỏ (dưới 50 triệu đồng) dẫn tới quỹ được thành lập ra chỉ là hình thức, không đủ nguồn lực để đầu tư cho bất cứ một DN khởi nghiệp sáng tạo nào.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sửa đổi Điều 5 Nghị định 38/2018 “Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, có từ 2 đến tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ. Vốn góp tối thiểu tại thời điểm thành lập quỹ là hai trăm triệu đồng”.

 Dự án của hợp tác xã Đà Giang-ECO tỉnh Hòa Bình vào chung kết khởi nghiệp xanh 2024 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức. Ảnh: T.QUỲNH

Dự án của hợp tác xã Đà Giang-ECO tỉnh Hòa Bình vào chung kết khởi nghiệp xanh 2024 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức. Ảnh: T.QUỲNH

Quỹ đầu tư có quyền mua cổ phần tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo thông lệ quốc tế quỹ đầu tư mạo hiểm thường tham gia giai đoạn đầu khi DNNVV khởi nghiệp sáng tạo mới thành lập. Giai đoạn này, việc định giá DNNVV khởi nghiệp sáng tạo khó khăn vì không có các chỉ số tài chính cần thiết như báo cáo tài chính.

Vì vậy, các quỹ đầu tư sẽ chọn phương thức cấp vốn bằng hình thức cho vay thông qua các khoản vay có chuyển đổi hoặc sử dụng các công cụ như thỏa thuận sở hữu tương lai hoặc quyền chứng khoán đơn giản.

Bản chất của các khoản cấp vốn này không phải là cho vay thương mại mà là các khoản đầu tư ban đầu để hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn đầu chưa có kinh phí hoạt động. Theo đó, bên cho vay không yêu cầu tài sản bảo đảm, khoản vay có lãi suất thấp hoặc không có lãi suất thậm chí không có ngày đáo hạn.

Giai đoạn sau khi DNNVV khởi nghiệp sáng tạo có thể định giá, gọi vốn thành công bên cho vay sẽ được hưởng ưu đãi. Ví dụ như mức chiết khấu từ việc chuyển đổi khoản vay thành cổ phần.

Tuy nhiên, Nghị định 38/2018/NĐ-CP chưa cho phép nhà đầu tư nắm giữ quyền mua cổ phần tại DN, điều này hạn chế các quỹ đầu tư tiếp cận các tiềm năng tăng trưởng của một DN mới mà không cần phải đầu tư một lượng vốn lớn ngay từ đầu.

Thông lệ quốc tế cũng cho phép các quỹ đầu tư có thể đầu tư chứng chỉ tiền gửi để tối ưu hóa nguồn lực tài chính.

Do đó, nhằm mở rộng, hoàn thiện các nghiệp vụ đầu tư của quỹ, đảm bảo đầy đủ nhu cầu đầu tư cốt lõi và chính đáng, dự thảo Nghị định bổ sung thêm ba lĩnh vực hoạt động của quỹ đầu tư gồm: Đầu tư chứng chỉ tiền gửi tại các tổ chức tín dụng; đầu tư công cụ đầu tư có thể chuyển đổi; quyền mua cổ phần tại DN khởi nghiệp sáng tạo.

Đồng thời, nhằm đảm bảo nguồn vốn của quỹ tập trung vào nghiệp vụ cốt lõi là đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và ngăn chặn hành vi gian lận, bảo vệ uy tín của các quỹ đầu tư. Theo đó, dự thảo Nghị định bổ sung quy định một số hành vi bị cấm trong hoạt động quản lý quỹ của công ty quản lý quỹ gồm: đầu tư vốn, tài sản của quỹ vào chính quỹ đó. Tham gia vào hoạt động cho vay thương mại hoặc bảo lãnh cho vay thương mại, đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán.

Nghị định 38/2018/NĐ-CP ban hành được sáu năm, đến nay số lượng các quỹ đầu tư thành lập còn hạn chế, cả nước mới chỉ có 33 quỹ với tổng số vốn góp đạt 413 tỉ đồng (hơn 16 triệu USD), chiếm dưới 5% thị phần đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

Xét trên phương diện vốn đầu tư đăng ký, các quỹ đầu tư đa phần có quy mô nhỏ. Cụ thể, 15 quỹ có quy mô vốn dưới 1 tỉ đồng, 11 quỹ có quy mô vốn từ 1 - 10 tỉ đồng, năm quỹ có quy mô vốn từ 10 - 50 tỉ đồng, chỉ có hai quỹ có quy mô vốn trên 50 tỉ đồng.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/de-xuat-cho-toi-da-99-nha-dau-tu-tham-gia-vao-quy-dau-tu-khoi-nghiep-sang-tao-post817313.html