Đề xuất chuyển 120 đầu việc của cấp huyện xuống cấp xã sau sắp xếp
Để chuẩn bị thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Nội vụ đề xuất chuyển 120 nội dung nhiệm vụ quản lý nhà nước từ cấp huyện xuống cấp xã, trong các lĩnh vực như: Tiền lương – bảo hiểm xã hội; việc làm - an toàn lao động; tổ chức cán bộ; thi đua khen thưởng...

Ảnh minh họa.
Bộ Nội đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ về Nghị định phân định thẩm quyền lĩnh vực nội vụ khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Tại tờ trình, Bộ Nội vụ cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành, chính quyền địa phương bao gồm 3 cấp: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Hệ thống pháp luật hiện nay, trong đó có pháp luật về lĩnh vực nội vụ có nhiều quy định liên quan đến nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước ở cấp huyện.
Thực hiện Kết luận số 127-KL/TW, dự kiến sửa đổi Hiến pháp năm 2013, dự kiến sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương với chủ trương không tổ chức chính quyền cấp huyện, các cơ quan nhà nước cấp huyện sẽ được giải thể (Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp huyện…), hoặc sáp nhập theo mô hình khu vực (kiểm sát, tòa án, thuế, thi hành án…).
Như vậy, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp huyện cần theo quy định của pháp luật hiện nay phải có sự điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Việc phân định thẩm quyền bảo đảm nguyên tắc chính quyền cấp xã mới đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp huyện hiện nay, trực tiếp phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Theo dự thảo Nghị định, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ở cấp huyện được chuyển giao cho cơ quan, chức danh có thẩm quyền ở cấp tỉnh và cấp xã.
Đồng thời, nội dung quy định về đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chuyển thành đơn vị hành chính cấp xã hoặc được bãi bỏ.
Cơ quan, chức danh có thẩm quyền ở cấp tỉnh, cấp xã tiếp tục thực hiện các công việc, thủ tục đang được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ở cấp huyện thực hiện, bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ trên địa bàn; không để xảy ra khoảng trống, chồng chéo, hoặc bỏ sót trách nhiệm quản lý.
Trường hợp sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính dẫn đến tên gọi của chính quyền địa phương cấp xã thay đổi, thì thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thuộc chính quyền địa phương cấp xã mới sau sắp xếp, tổ chức lại.
Đặc biệt, không thực hiện lại; không yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại các công việc, thủ tục đã thực hiện trước khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động.
Trường hợp văn bản hiện hành quy định trách nhiệm phối hợp công tác giữa cơ quan, chức danh có thẩm quyền ở cấp huyện với cơ quan, chức danh khác thì cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền ở cấp huyện tiếp tục thực hiện nội dung công việc đó theo quy định.
Theo Bộ Nội vụ, khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước từ cấp huyện chuyển xuống cấp xã, dự kiến sẽ có 120 nội dung thuộc 8 lĩnh vực, bao gồm: Lĩnh vực văn thư và lưu trữ nhà nước; thi đua khen thưởng; tiền lương – bảo hiểm xã hội; việc làm - an toàn lao động; tổ chức cán bộ; thanh niên và bình đẳng giới; tổ chức phi chính phủ; người có công.
Về nhiệm vụ quản lý nhà nước từ cấp huyện chuyển lên cấp tỉnh, có 21 nội dung thuộc 4 lĩnh vực, gồm: Văn thư và lưu trữ nhà nước; thi đua khen thưởng; tiền lương – bảo hiểm xã hội; việc làm, an toàn lao động.