Thúc đẩy cải thiện năng suất, chất lượng trong doanh nghiệp

Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu số doanh nghiệp tăng từ 10-15%. Đón đầu cơ hội này, thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của ngành KH&CN, các doanh nghiệp tại Phú Yên đã chủ động đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất, đồng thời tích cực nghiên cứu và áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm gia tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Các doanh nghiệp Phú Yên tham quan xưởng sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê Huy Tùng ở TP Tuy Hòa. Ảnh: LỆ VĂN

Các doanh nghiệp Phú Yên tham quan xưởng sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê Huy Tùng ở TP Tuy Hòa. Ảnh: LỆ VĂN

Nỗ lực cải thiện năng suất, chất lượng

Theo ông Nguyễn Công Nhật, Trưởng phòng Tiêu chuẩn đo lường - Chất lượng - Chuyên ngành (Sở KH&CN), thời gian qua, Sở KH&CN đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, song song với việc kết nối chặt chẽ hoạt động KH&CN với sản xuất và đời sống. Nhờ đó, nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp về vai trò của năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã tích cực đầu tư đổi mới phương pháp quản lý và điều hành, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng các công cụ quản lý cải tiến hiện đại, đồng thời công bố sản phẩm đạt tiêu chuẩn hợp chuẩn, hợp quy. Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm thiểu lãng phí trong hoạt động sản xuất mà còn đảm bảo chất lượng hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng…

Điển hình như chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh thông qua chương trình khuyến công hằng năm. Kết quả trong năm 2024, Sở KH&CN đã hỗ trợ 5 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị với tổng kinh phí 412 triệu đồng; hỗ trợ 2 cơ sở thuê thiết kế bao bì sản phẩm với tổng kinh phí 51,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở KH&CN còn phối hợp với các sở, ban ngành hỗ trợ các hội, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp xây dựng và khai thác tốt chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm, đặc sản địa phương và phát triển thị trường tiêu thụ; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu tập thể, bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm OCOP. Đáng chú ý như hỗ trợ kinh phí mua máy liên hợp sản xuất bún tươi cho hộ sản xuất bún ở làng nghề bún Định Thành (xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa), máy nướng bánh tráng cho cơ sở sản xuất bánh tráng Thiên Hương ở làng nghề bánh tráng Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa); nghiệm thu hoàn thành Đề án khuyến công về áp dụng công nghệ máy tách màu tiên tiến trong sản xuất gạo tại cơ sở sản xuất Tường Liên trong cụm công nghiệp Hòa An (huyện Phú Hòa); hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ cho các hộ sản xuất kinh doanh về KH&CN trong sản xuất nhằm đem lại nguồn thu nhập khá cho nhà vườn và nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao: Sầu riêng, bưởi, cam, nhãn, vải… tiêu thụ chủ yếu qua thương lái. Đến nay đã có hơn 67ha cây ăn trái được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP gồm cam sành, cam V2, bưởi da xanh, ổi lê, mãng cầu thái, sầu riêng; có 2 tổ hợp tác trồng sầu riêng, tổng diện tích hơn 55ha đang trình hồ sơ để Cục Trồng trọt cấp mã số vùng trồng…

“Những hỗ trợ này đã góp phần tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất xây dựng và quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường và nguồn vốn đầu tư vào đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng website, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt và triển khai các trang giới thiệu sản phẩm trực tuyến”, ông Nguyễn Công Nhật cho biết thêm.

Tạo sức cạnh tranh bền vững

Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Lâm Vũ Mỹ Hạnh, mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa không chỉ dừng lại ở việc cải thiện quy trình sản xuất mà còn phải giúp doanh nghiệp tạo được sức cạnh tranh bền vững trên thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng đến xây dựng thương hiệu và gia tăng giá trị cho sản phẩm; nhiều doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Yến sào Khang Châu, cà phê Huy Tùng, khóm Đồng Din, nước mắm Gành Đỏ… Bên cạnh đó, việc khai thác hiệu quả các nền tảng thương mại điện tử đã mở ra một kỷ nguyên mới cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận khách hàng. Sự hiện diện trên các sàn thương mại lớn như Shoppe, TikTok, Lazada, Sendo… không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng kênh tiêu thụ, mà còn mang lại cơ hội để quảng bá sản phẩm Phú Yên đến nhiều thị trường tiềm năng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu, các chương trình và dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Một trong những hạn chế chính là đội ngũ cán bộ quản lý và tư vấn về năng suất, chất lượng trên địa bàn tỉnh còn rất mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Mặt khác, nguồn kinh phí chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách địa phương, vốn còn hạn chế, dẫn đến việc triển khai các dự án chưa đạt hiệu quả tối ưu. Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thuộc nhóm vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế cả về tài chính lẫn nhân lực, dẫn đến việc triển khai các giải pháp chủ yếu mang tính bề rộng thay vì đi vào chiều sâu. Điều này khiến cho phong trào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa thể phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Theo Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 là đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về năng suất chất lượng cho khoảng 10-20 cán bộ, công chức; số doanh nghiệp được phổ biến, đào tạo, hướng dẫn áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng hằng năm tăng từ 5-10%; lựa chọn ít nhất 2 doanh nghiệp để hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Trước thực trạng này, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, thúc đẩy nâng cao năng suất và chất lượng trong doanh nghiệp. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và tư vấn về năng suất, chất lượng. UBND tỉnh đã giao Sở KH&CN phối hợp với các cơ quan, tổ chức chuyên môn triển khai các khóa đào tạo, hội thảo để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với những công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh vào doanh nghiệp. Đồng thời nỗ lực thu hút nguồn vốn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ của trung ương nhằm đảm bảo nguồn kinh phí cho các dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề nhận thức và sự chủ động trong cải tiến, tỉnh còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các lợi ích của việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trên Báo Phú Yên, Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện cải tiến liên tục thông qua các chương trình hỗ trợ theo Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

“Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, coi đó là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững. Chỉ khi nhận thức rõ điều này, mới có thể lựa chọn và áp dụng các giải pháp phù hợp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững”, Phó Giám đốc Sở KH&CN Lâm Vũ Mỹ Hạnh nhấn mạnh.

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/khoa-giao/202505/thuc-day-cai-thien-nang-suat-chat-luong-trong-doanh-nghiep-6c8250b/