Đề xuất có luật về nước sạch để đảm bảo quyền tiếp cận nước
Quyền tiếp cận nước là một trong những quyền cơ bản của con người được Liên Hiệp Quốc thừa nhận. Nhưng theo thống kê năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ tiếp cận nước máy ở nước ta chỉ đạt 52%. Chính vì vậy, cần có luật riêng để tạo khuôn khổ pháp lí cho việc mở rộng nguồn cung nước sạch, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân.
Đây là khuyến nghị của nhiều chuyên gia tại tọa đàm “Dịch vụ cung cấp nước sạch tại Việt Nam: Thị trường và các vấn đề chính sách” do Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) tổ chức sáng 26/4.
Giá bán lẻ nước hiện nay, đặc biệt là nước sinh hoạt, đang ở mức thấp và ít được điều chỉnh. Đơn cử như tại Hà Nội, 10 năm qua, khung giá nước không thay đổi. Đây là ví dụ điển hình cho cấu trúc bất hợp lý của thị trường nước sạch hiện nay. Mặc dù thị trường nước sạch đã được xã hội hóa và nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư, việc thu hút đầu tư tư nhân vẫn chưa hiệu quả. Cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đều phải đối mặt với nhiều khó khăn như: giá mua, khối lượng nước được mua, giá nước bán ra thấp, không đủ khả năng mở rộng diện cấp nước.
Ông NGUYỄN QUANG ĐỒNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS): “ Khi nhà nước thiếu tiền, có thể huy động đầu tư đối tác công tư cho đường ống. Vấn đề ở đây là phải có quy định pháp lý rõ ràng cho vai trò của đầu tư tư nhân cho phần đường ống. Như vậy, tư nhân tham gia vào để bù đắp thiếu hụt về năng lực tài chính, quản lý của nhà nước chứ không làm thay việc chuyển tải nước, phân phối nước của nhà nước.”
Các chuyên gia khuyến nghị, đã đến lúc cần có một văn bản ở cấp độ luật để tạo lập khuôn khổ thống nhất, minh bạch cho thị trường nước sạch, nên có một luật riêng cho thị trường nước, điều chỉnh không chỉ vấn đề cấp nước mà cả vấn đề xử lí nước sinh hoạt. Đây là cơ sở cần thiết để mở rộng nguồn cung nước sạch, bảo đảm quyền tiếp cận nước cho người dân.
Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Luật Cấp thoát nước, như là Luật Điện lực, và xây dựng những định chế thị trường mang tính hiện đại, theo thông lệ quốc tế. Cùng với đó là hệ thống quản lí nhà nước phải được thay đổi tập trung hơn, hiệu lực hơn. Như vậy, người dân sẽ được hưởng lợi hơn trong việc cấp nước”
Năm 2021, Quốc hội ban hành nghị quyết số 16 về kết hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 đặt mục tiêu: Đến năm 2025, sẽ có 95-100% người dân thành thị và 93-95% người dân nông thôn có nước sạch để dùng. Với thị trường nước hiện tại, Việt Nam đang có nguy cơ lỡ hẹn mục tiêu này.
Thực hiện : Nguyễn Duyên Minh Quốc