Đề xuất đánh thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản

Bộ Tài chính đang nghiên cứu lựa chọn áp dụng giữa hai phương pháp tính thuế, trong đó có phương án tính thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua - bán bất động sản.

Tại báo cáo phục vụ chất vấn vừa gửi Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết trong quá trình sửa Luật thuế thu nhập cá nhân, cơ quan này nghiên cứu lựa chọn áp dụng giữa hai phương pháp tính thuế chuyển nhượng bất động sản.

Hai phương pháp này được nghiên cứu dựa trên thu nhập chịu thuế (bằng giá bán trừ tổng chi phí liên quan đến bất động sản chuyển nhượng) hoặc áp dụng mức thuế suất chung trên tổng giá chuyển nhượng.

Bộ Tài chính cho hay mỗi phương pháp áp dụng sẽ phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu liên quan đến chuyển nhượng bất động sản. Trong đó, khi có cơ sở dữ liệu xác định được chính xác giá mua và chi phí liên quan sẽ được tính bằng công thức thuế suất (đề xuất 20%) nhân với thu nhập chịu thuế.

Mức đề xuất này được Bộ Tài chính đánh giá là để tương đồng với mức thuế thu nhập doanh nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp nộp với chuyển nhượng bất động sản.

Mua – bán nhà đất có thể chịu thuế 20% trên tiền lãi.

Mua – bán nhà đất có thể chịu thuế 20% trên tiền lãi.

Còn với trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản thì thuế thu nhập cá nhân được xác định trên tổng giá chuyển nhượng bất động sản nhân với thuế suất 2%.

Bộ Tài chính cho rằng cách tính trên đảm bảo đúng theo bản chất giao dịch kinh tế và phù hợp với chức năng đánh trên thu nhập phát sinh của sắc thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, để thực hiện được cần có cơ sở dữ liệu về lịch sử giao dịch của thửa đất phản ánh đúng giá cả giao dịch của các lần chuyển nhượng và quy định rõ tại văn bản quy phạm pháp luật các khoản chi phí được trừ và điều kiện về hóa đơn, chứng từ chứng minh, cũng như giá vốn của bất động sản chuyển nhượng.

Cơ quan này cũng cho biết hiện nay, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế đã có chức năng tra cứu lịch sử giao dịch của thửa đất và tra cứu lịch sử giao dịch của người nộp thuế (từ năm 2018). Tuy nhiên, việc kiểm soát giá giá dịch trên hợp đồng với giá giao dịch thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Việc thu thập chứng cứ, xác minh giá trị chuyển nhượng thực tế vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ quan quản lý đi xác minh các loại chi phí như chi phí môi giới, chi phí lãi vay, chi phí bồi thường các bên liên quan…

Tại hội thảo về thuế thu nhập cá nhân được tổ chức hồi tháng 3, PGS.TS Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) đề xuất chỉ thu thuế khi bán nhà có lãi, áp dụng mức 20% trên chênh lệch giá mua - bán để ngăn chặn tình trạng lách thuế.

Việc này sẽ giúp hạn chế tình trạng đẩy giá nhà đất. Đồng thời, chính sách đánh thuế trên giá trị tăng thêm được thực hiện nghiêm còn khiến các công ty bất động sản phải tính toán kỹ lưỡng hơn khi quyết định giá bán, từ đó giúp thị trường vận hành minh bạch, thực chất hơn.

TS. Nguyễn Ngọc Tú (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cũng cùng quan điểm về đánh thuế 20% trên thu nhập thực tế của người bán. Với trường hợp không có đầy đủ hóa đơn chứng từ, cơ sở để tính lãi lỗ, đề xuất áp dụng mức ấn định 1-2% theo bảng giá do UBND tỉnh, thành phố quy định.

Một số ý kiến cho rằng mức thuế 20% trên phần chênh lệch giá mua - bán cần đi kèm với chế tài xử phạt nghiêm khắc với hành vi kê khai sai giá. Việc này sẽ giúp hạn chế tình trạng "hai giá" (giá thực tế và giá kê khai khác nhau), đồng thời giúp Nhà nước thu thuế công bằng hơn. Thị trường bị đẩy giá do môi giới, mua bán lòng vòng sẽ bị hạn chế tối đa.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/de-xuat-danh-thue-20-tren-lai-chuyen-nhuong-bat-dong-san-1106549.html