Số hóa là công cụ mạnh mẽ làm giảm bất bình đẳng kinh tế
Số hóa có thể làm giảm bất bình đẳng bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận những dịch vụ cơ bản như tài chính cá nhân và giáo dục, hoặc giúp các chủ doanh nghiệp nhỏ vượt qua những rào cản tiếp cận tài chính, mạng lưới kinh doanh.
Theo theo báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), số hóa có thể là một công cụ mạnh mẽ giúp giảm bất bình đẳng kinh tế dai dẳng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng của nó, các chính phủ cần thu hẹp "khoảng cách số", bao gồm khoảng cách về cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận và kỹ năng.
Mặc dù khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang vượt trên các khu vực khác về phát triển kỹ thuật số trong những thập niên gần đây, song lợi ích chưa được chia đều.
Ví dụ, trên toàn khu vực, tỷ lệ người dùng internet tại thành thị cao hơn 13 điểm phần trăm so với tại nông thôn. Tốc độ tải xuống internet di động tại các thành thị cũng nhanh hơn 38% so với ở nông thôn. Các nghiên cứu trước đây cũng phát hiện ra rằng nhiều nền kinh tế đang phát triển tại châu Á - Thái Bình Dương tụt hậu về khả năng hòa nhập kỹ thuật số và nhìn chung có trình độ kỹ năng số thấp.
Bất chấp mức tăng trưởng và phát triển nhanh chóng, bất bình đẳng kinh tế vẫn dai dẳng trong khu vực. Năm 2022, hệ số Gini trung bình theo dân số của châu Á đang phát triển - thước đo bất bình đẳng trong nước - cao hơn 6% so với năm 1990. Tính đến năm ngoái, 18,9% dân số của khu vực được phân loại là người nghèo, tức là sống dưới mức 3,65 USD/ngày.

Số hóa là công cụ mạnh mẽ làm giảm bất bình đẳng kinh tế
Chuyên gia, Kinh tế trưởng ADB, ông Albert Park nhận định: "Quá trình chuyển đổi số nhanh chóng của châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển giúp khu vực này có thể gặt hái được những lợi ích đáng kể. Các chính phủ thúc đẩy số hóa toàn diện và bền vững có cơ hội không chỉ thúc đẩy năng suất tổng thể và đổi mới sáng tạo, mà còn đồng thời giảm bất bình đẳng kinh tế".
Theo ADB, số hóa có thể làm giảm bất bình đẳng bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận những dịch vụ cơ bản như tài chính cá nhân và giáo dục, hoặc bằng cách giúp các chủ doanh nghiệp nhỏ vượt qua những rào cản như thiếu tiếp cận nguồn tài chính hoặc mạng lưới kinh doanh.
Theo đó, chuyển đổi số cũng có thể giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang phát triển carbon thấp và giúp các cộng đồng trong khu vực có khả năng chống chịu tốt hơn trước thời tiết cực đoan và thiên tai, ví dụ như thông qua hỗ trợ lập mô hình và phân tích để cải thiện quản lý rủi ro thiên tai và dự báo các mô hình khí hậu để xác định những giải pháp như cây trồng chống chịu biến đổi khí hậu.
Báo cáo khuyến nghị rằng các chính phủ ở châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển nên áp dụng những chiến lược kỹ thuật số quốc gia tích hợp các mục tiêu bao trùm và bền vững, đồng thời ban hành các chính sách phù hợp với địa phương để thúc đẩy những mục tiêu này. Các chính phủ cũng nên hợp tác với khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương và quốc tế.