Xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng 20% giữa biến động thuế quan

Bộ trưởng Tài chính cho biết tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm nay đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó kim xuất nhập khẩu cả nước vẫn tăng gần 20%.

 Xuất khẩu Việt Nam vẫn vững vàng trước biến động thuế quan toàn cầu. Ảnh: Nam Khánh.

Xuất khẩu Việt Nam vẫn vững vàng trước biến động thuế quan toàn cầu. Ảnh: Nam Khánh.

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 sáng 6/5, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm nước ta tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh vừa phải tập trung ứng phó với diễn biến phức tạp của thế giới, khu vực, vừa thúc đẩy cải cách để tạo nền tảng mới cho phát triển.

Cụ thể, Bộ trưởng Thắng cho biết trong tháng 4, chính sách thuế đối ứng của Mỹ đã ảnh hưởng đến tâm lý doanh nghiệp và nền kinh tế thế giới. Kinh tế Mỹ trong quý I giảm 0,3% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tháng 4 vẫn tăng 20%

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chủ động từ sớm, tăng cường trao đổi, tiếp xúc hiệu quả ở tất cả các cấp, các kênh, đặc biệt là cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc Thủ tướng chủ trì 11 cuộc họp về phương án đàm phán và trực tiếp chỉ đạo đã giúp Việt Nam thuộc nhóm 6 nước mà Mỹ ưu tiên đàm phán trong hơn 100 nền kinh tế.

Kết quả, trong tháng 4, nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2024, đưa mức tăng chung 4 tháng lên 8,4%; riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng 10,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng duy trì đà tăng 11,1% trong tháng 4 và tăng 9,9% sau 4 tháng.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Tài chính cho biết giữa những biến động thuế quan toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu, qua đó giúp kim ngạch xuất khẩu tăng gần 20% so với cùng kỳ. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu cùng giai đoạn cũng tăng 23%, kéo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 21% trong tháng 4.

Tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 13%, cả nước xuất siêu ước khoảng 3,8 tỷ USD.

Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt khoảng 13,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ; vốn thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, tăng 7%. Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, EU vẫn tiếp tục đầu tư mới, mở rộng đầu tư, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, cho thấy vị trí quan trọng của nước ta trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong 4 tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,2% so với cùng kỳ, phản ánh lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 48% dự toán, tăng 26,3% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt 49,6% dự toán, tăng 29,5%.

 Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại phiên họp sáng 6/5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại phiên họp sáng 6/5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức như mục tiêu tăng trưởng, hoạt động đầu tư, kinh doanh, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, đời sống của một bộ phận người dân, người lao động còn khó khăn...

Do đó, Bộ Tài chính dự báo nền kinh tế trong nước sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn từ bên ngoài, trong khi các động lực nội tại về tiêu dùng, đầu tư, đầu tư công…chưa được thúc đẩy hiệu quả. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội, động lực để tập trung cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu, thu hút FDI chất lượng cao.

Thúc đẩy đàm phán thương mại với Mỹ

Thời gian tới, Bộ trưởng Tài chính đánh giá khối lượng, phạm vi công việc trong tháng 5 và quý II rất lớn, nhiều việc mang tính cách mạng, chưa có tiền lệ, phải triển khai đồng thời, nhanh chóng, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung làm ngay.

Theo đó, Bộ đề xuất các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, chuẩn bị tốt nội dung tiếp thu, giải trình việc sửa đổi Hiến pháp, các dự án Luật, Nghị quyết, báo cáo, bảo đảm đồng thuận cao khi Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, nhất là các nội dung Chính phủ dự kiến trình Quốc hội bổ sung tại kỳ họp. Các bộ, ngành khẩn trương ban hành, trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật, Nghị quyết ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Cần bảo đảm tiến độ các công việc liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2.

Đồng thời thúc đẩy đàm phán với Mỹ, chống hàng giả, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đề xuất các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung phát triển văn hóa, xã hội...

Thảo Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/xuat-khau-viet-nam-van-tang-20-giua-bien-dong-thue-quan-post1551362.html